1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giữ sức khỏe ngày tết

Ngày tết thường vào mùa bắt đầu nóng, nhiệt độ và độ ẩm cao dễ gây cho chúng ta trạng thái khó chịu, đổ mồ hôi nhiều. Nhiều người còn thức khuya làm cơ thể mỏi mệt, sức đề kháng kém, dễ bị bệnh nhiễm khuẩn.

Làm một năm... ăn ba ngày


 

Làm một năm... ăn ba ngày

 

Ăn uống dịp tết vẫn đảm bảo đủ năm chất dinh dưỡng (chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và chất khoáng), không ăn quá nhiều đạm, chất béo mà quên các chất dinh dưỡng khác như rau cải, trái cây tươi. Một số loại thức ăn nên dùng hạn chế vì chứa quá nhiều đường (bánh mứt), quá nhiều chất béo (thức ăn chiên, xào)... Các loại nước giải khát, nước tăng lực, xirô chứa khá nhiều đường tạo “năng lượng rỗng” cũng không nên dùng quá nhiều, nhất là với người cao tuổi cần kiêng đường.

 

Thức uống trong dịp tết cần nói đến là rượu, bia. Về phương diện dinh dưỡng, rượu là chất có hại cho cơ thể. Độ cồn trong rượu càng cao, tác dụng độc càng mạnh. Uống rượu thường xuyên, nhiều cơ quan bị tổn hại như dạ dày, gan, đặc biệt là hệ thần kinh. Khi uống rượu say xỉn dễ gây tai nạn giao thông, thậm chí thiếu kiềm chế dễ vi phạm an ninh xã hội. Vì vậy ta chỉ nên uống rượu bia thật chừng mực, đủ để kích thích ăn ngon và vui vẻ với không khí tết.

 

Đối với thức uống, trà là loại dùng nhiều trong dịp tết. Trà đen, trà xanh được dùng phổ biến và được ghi nhận uống trà mỗi ngày tốt cho sức khỏe. Chỉ cần lưu ý là nếu uống trà ảnh hưởng đến giấc ngủ thì không nên uống lúc chiều tối mà nên dùng vào buổi sáng.

 

Xử lý khi bị rối loạn thông thường

 

Rối loạn thông thường là rối loạn không trầm trọng đến độ phải đi khám bác sĩ hoặc phải đến bệnh viện mà chỉ cần có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng thích hợp tại nhà, kết hợp một số biện pháp chữa trị không dùng thuốc hoặc dùng thuốc thông thường là có thể cải thiện. Các thuốc được dùng trong trường hợp xử lý các vấn đề sức khỏe tại nhà có thể hỏi mua tại nhà thuốc không cần đơn thuốc bác sĩ, chẳng hạn như:

 

Cảm sốt: Nên có paracetamol hoặc các biệt dược có paracetamol để trị cảm sốt, đau nhức. Ngoài ra, thay vì dùng thuốc có thể áp dụng các biện pháp dân gian như sau:

 

- Cạo, đánh gió bằng dầu xoa, dầu gió. Cũng có thể dùng một củ gừng tươi, giã nhuyễn, vắt nước cốt xoa lên vùng cần đánh gió rồi dùng bã chà xát cho tới khi người nóng lên. Lưu ý, chỉ nên cạo, đánh gió cho người lớn và không nên quá mạnh tay đến độ bầm tím; thực chất hiện tượng bầm bím mà một số người gọi “có gió” chính là xuất huyết dưới da. Không nên cạo, đánh gió cho trẻ con vì có thể gây nhầm lẫn dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ.

 

- Dùng nồi xông với nắm lá xông chứa tinh dầu như lá sả, lá bưởi, lá ngũ trảo, ngải cứu, lá bạch đàn...

 

- Dùng cháo giải cảm là cháo trắng thêm rau thơm như tía tô, kinh giới, vài lát gừng tươi, thêm nhiều hành, tiêu. Ăn khi cháo còn nóng và hít hơi nóng từ tô cháo càng nhiều càng tốt.

 

Khó tiêu đầy bụng: là triệu chứng cảm thấy no hơi, nặng bụng, khó chịu do có sự tích khí trong đường tiêu hóa do tiêu hóa không tốt, thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày. Nên quan tâm đến cách ăn uống để tránh chứng khó tiêu đầy bụng như ăn chậm, nhai kỹ, tạo không khí thoải mái trong bữa ăn, tránh dùng các thực phẩm mà kinh nghiệm cho thấy gây chứng khó tiêu (như thức ăn chiên quá nhiều dầu mỡ), không lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích quá đáng.

 

Có thể trữ thuốc kháng acid có chứa chất chống đầy hơi simethicon (Simelox) hoặc thuốc làm tăng nhu động dạ dày domperidon (Motilium-M), metoclopramid (Primperan) và dùng theo chỉ dẫn.

 

Có thể dùng gừng giã nhỏ lấy nước, hoặc xắt lát hòa với nước ấm uống mà theo nhiều người nhận thấy có thể làm giảm chứng khó tiêu.

 

Trong trường hợp bị trướng bụng do bí trung tiện (tức không đánh hơi được), có thể áp dụng biện pháp dân gian là dùng 1-2 tép tỏi giã nhỏ đắp lên rốn, để trong vòng 2 phút rồi bỏ tỏi ra để tránh đau rát, sẽ trung tiện được.

 

Nôn ói: Nguyên nhân gây buồn nôn, nôn có thể kể do ngộ độc thực phẩm (nôn được xem là phản ứng cần thiết loại chất độc ra khỏi cơ thể bằng đường miệng), say tàu xe - máy bay.

 

Nếu đi chơi xa có thể thực hiện một số biện pháp nhằm giảm bớt sự kích thích đưa đến say tàu xe bằng cách ngồi ở chỗ thoáng mát, đầu tựa nơi cố định, không đọc sách báo hoặc nhìn các vật di chuyển bên ngoài (nhắm mắt là tốt nhất), đắp khăn mát lên trán, không ăn uống quá no...

 

Có thể dùng thuốc chống nôn dạng uống. Nên lưu ý uống đúng liều lượng theo sự chỉ dẫn và uống 30 phút trước khi lên tàu xe. Hoặc dùng miếng băng thuốc dán vào da sau tai là Scopolamine TTS, nên dán sáu giờ trước khi lên tàu xe để thuốc có đủ thời gian tác dụng.

 

Cũng có thể dùng gừng ngậm trong miệng để phòng chống nôn, say tàu xe.

 

Tiêu chảy: Để phòng tránh tiêu chảy do nhiễm khuẩn thức ăn, nên nấu ăn cho từng bữa, thức ăn nấu chín cần ăn ngay, nếu thừa cho lần ăn sau phải đậy kỹ hoặc để trong tủ thức ăn thông thoáng, trước khi ăn phải nấu lại kỹ. Do tiêu chảy cấp gây mất nước và chất điện giải, nên trong điều trị, vấn đề hàng đầu được đặt ra là bù nước và chất điện giải. Tức là trước khi tính chuyện cầm tiêu chảy, hãy dùng gói Oresol pha theo hướng dẫn để uống.

 

Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chất độc, dùng thuốc cầm ngay tiêu chảy không có lợi vì cơ thể cần tiêu chảy tống chất độc ra khỏi cơ thể. Chỉ khi tiêu chảy không khu trú, kéo dài mới tính tới chuyện dùng thuốc cầm tiêu chảy như loperamid (Imodium...), và tiêu chảy hơn ba ngày nên đi khám bác sĩ để định bệnh.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức

Đại học Y dược TPHCM

Tuổi trẻ