Giữ gìn sức khỏe ngày Tết
Trong không khí vui tươi ngày đầu năm mới, chúng ta cần giữ gìn sức khỏe thật tốt để hưởng một cái tết trọn vẹn.
Đối với người lớn
- Bố trí thời gian sinh hoạt hợp lý, điều độ: Không nên thức quá khuya, nhất là những người cao huyết áp, bệnh tim mạch. Tranh thủ nghỉ trưa tối thiểu 30 phút hàng ngày.
- Ăn uống vừa phải, không quá no: Những loại thức ăn nhiều chất béo như thịt ba rọi, bánh tét nhân mỡ, lạp xường nên hạn chế và ăn kèm với thực phẩm lên men như dưa cải, kim chi nhằm tăng khả năng tiêu hoá nhờ sự hoạt động của các loại men vi sinh. Thực phẩm để quá 6 giờ đều phải hâm nóng lại. Tốt nhất là ăn ngay sau khi chế biến.
- Không nên quá chén: Rượu làm tăng kích thích, nói chuyện hoạt bát, hưng phấn, vui vẻ, nhưng khi uống quá nhiều, rượu lại ức chế thần kinh, khiến người uống không kiểm soát được lời nói, hành vi, đâm ra mất vui. Chưa kể nếu uống rượu quá nhiều sẽ nguy hại cho sức khoẻ.
Đối với trẻ em
Chú ý các bệnh dễ mắc trong thời gian này như sốt xuất huyết, viêm phổi, tiêu chảy, trái rạ, rubella.
Sốt xuất huyết (SXH) xảy ra quanh năm, nên không thể mất cảnh giác với bệnh này, dù là ngày thường hay lễ tết. Nếu em bé sốt liên tục trên 2 ngày thì phải đến bệnh viện để khám.
Bệnh tiêu chảy và ngộ độc thức ăn cũng hay xảy ra vào ngày tết. Cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước khi thấy trẻ ói hoặc tiêu chảy. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi tiêu. Nếu thấy trẻ tiêu chảy kèm theo nổi mụn nước ở bàn tay, bàn chân, trong miệng, lưỡi thì phải chú ý bệnh tay chân miệng, là bệnh có thể gây biến chứng viêm não, rất nguy hiểm.
Một số tai nạn cũng hay gặp ở trẻ khi chúng ta bất cẩn thiếu chú ý trong lúc trẻ chơi đùa, chạy giỡn như sặc thức ăn, bỏng, điện giật, ngã xuống nước.
Nếu không may bé gặp nạn, việc cấp cứu tại chỗ là rất quan trọng. Dùng phương pháp vỗ lưng, ấn ngực nếu thấy trẻ đang ăn đột nhiên bị tím tái khó thở, ho sặc sụa. Hãy nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc đầu gối của mình và vỗ lưng thật mạnh ngay sau hai xương bả vai 5 cái để dị vật văng ra ngoài, sau đó lật ngửa trẻ lên ấn vào ngực trẻ 5 cái. Lặp lại nhiều lần cho đến khi trẻ hết khó thở.
Trong trường hợp trẻ bị ngưng thở, ngưng tim (do điện giật, chết đuối, té bất tỉnh) thì nhanh chóng hà hơi thổi ngạt. Người cấp cứu thổi vào miệng trẻ thật mạnh làm lồng ngực phồng lên, sau đó dùng tay ấn vùng tim (trên xương ức). Làm theo tần xuất một lần thổi miệng, 5 lần ấn tim. Làm kéo dài cho đến khi trẻ tự thở được và tim đập lại mới ngừng.
Sức khỏe là vàng, hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt để hưởng một năm mới nhiều niềm vui.