Giòi làm tổ trong cẳng chân người đàn ông

Hà An

(Dân trí) - Cẳng chân sưng, có vết loét, chảy dịch đục nhưng người đàn ông (67 tuổi, Quảng Ninh) không đến viện khám mà tự mua thuốc bôi tại nhà. Chỉ sau 2 ngày ông thấy cẳng chân loét rộng hơn và xuất hiện giòi.

Lúc này, ông mới đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) khám. Theo các bác sĩ, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hai cẳng chân sưng loét đỏ, chảy dịch đục, có mùi hôi và giòi làm tổ. Ông bị biến chứng loét cẳng chân do bệnh đái tháo đường gây ra.

Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2, nhưng không chăm sóc, vệ sinh cẩn thận nên đã gây ra loét.

Biến chứng loét bàn chân, cẳng chân ở người bệnh đái tháo đường là một trong những biến chứng khá nguy hiểm. Nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm, vết loét ngày càng lan rộng, nguy cơ phải cắt cụt chi là điều khó tránh khỏi, nguy cơ gây nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm.

Giòi làm tổ trong cẳng chân người đàn ông - 1

Ở bệnh nhân đái tháo đường, vết loét có thể chuyển từ nhẹ sang nặng rất nhanh (Ảnh minh họa: Podiatry).

Người bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân. Vì thế khi có vết loét, tổn thương thường rất lâu lành, có nguy cơ biến chứng hoại tử nếu không được chăm sóc, điều trị sớm.

Biến chứng loét, nhiễm trùng bàn chân dẫn đến phải tháo khớp, cắt bỏ chân gặp nhiều ở bệnh nhân đái tháo đường.

Việt Nam có khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường. Hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch, hơn 39% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh, 24% biến chứng về thận...

Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính, phải điều trị suốt đời. Bệnh nhân tuyệt đối không bỏ thuốc sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa khỏi, chữa dứt điểm đái tháo đường, tuyệt đối không tự dừng thuốc khi triệu chứng đã giảm. Người bệnh cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

Để phòng ngừa các biến chứng loét bàn chân, cẳng chân, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ. Trước tiên là kiểm soát đường huyết, huyết áp, mỡ máu chặt chẽ.

Trong trường hợp đã có vết loét, bệnh nhân cần tới cơ sở y tế gần nhất để các y bác sĩ tư vấn, chăm sóc và tránh trường hợp tự điều trị tại nhà vì loét có thể từ nhẹ chuyển sang nặng rất nhanh chóng.

6 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh đái tháo đường

- Khát nước nhiều

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, luôn cảm thấy khát nước hay muốn uống nước thường xuyên là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường có lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Vì vậy, thận cần phải tạo ra nhiều nước tiểu hơn để đào thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể.

Tình trạng này khiến cơ thể sử dụng nhiều nước hơn, thậm chí còn rút nước ra từ mô của cơ thể, khiến người bệnh liên tục cảm thấy khát. Bộ não sẽ yêu cầu người bệnh uống nhiều nước hơn.

- Đi tiểu nhiều lần

Một người bình thường đi tiểu từ 4 đến 7 lần trong 24 giờ, nhưng những người mắc bệnh đái tháo đường có thể đi nhiều hơn bình thường do quá trình đào thải lượng đường dư ra khỏi cơ thể. Điều này khiến thận luôn hoạt động "hết công suất", và bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn.

- Sụt cân không lý do

Nếu vẫn trong chế độ ăn uống và sinh hoạt bình thường mà bạn bị sụt cân không rõ nguyên nhân thì có thể do bạn bị đái tháo đường. Điều này xảy ra khi lượng đường glucose bị đào thải qua nước tiểu quá nhiều.

Mặt khác, cơ thể không thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng nên phải lấy năng lượng từ mỡ và cơ. Tình trạng này kéo dài sẽ gây tiêu mỡ và sụt cân.

- Đói và mệt mỏi

Tương tự như sụt cân, việc đói và suy nhược có thể là do cơ thể gặp khó khăn trong việc chuyển hóa năng lượng và hấp thu dưỡng chất. Cơ thể không đủ năng lượng sẽ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi. Quá trình hấp thu dưỡng chất kém khiến bạn luôn cảm thấy đói bụng và thèm ăn.

- Giảm thị lực

Một trong những biến chứng của đái tháo đường là suy giảm thị lực và gây ra các bệnh về mắt. Nếu đột nhiên nhìn không rõ, mờ mắt không hiểu vì sao thì có khả năng là bạn đã mắc bệnh tiểu đường.

- Suy giảm miễn dịch

Khi bị đái tháo đường, hệ thống miễn dịch suy giảm khiến sức đề kháng yếu đi. Lúc này, cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng, sẩn, ngứa không rõ nguyên nhân.