“Gieo” hạt mầm chữa bệnh bằng dinh dưỡng

Từ những thành công của khoa Dinh dưỡng lâm sàng, BV Bạch Mai, và thế hệ học viên đầu tiên của chương trình đào tạo dinh dưỡng lâm sàng cho điều dưỡng vừa ra trường, những hạt giống đầu tiên của Dự án Viện khoa học dinh dưỡng trực thuộc Quỹ Abbott đã thực sự “nảy mầm”.

“Gieo” hạt mầm chữa bệnh bằng dinh dưỡng

 Chế biến súp dành cho bệnh nhân ăn qua ống thông tại TT Dinh dưỡng, bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: T.P)

 

Trung Tâm Dinh Dưỡng Lâm Sàng đầu tiên của Việt Nam tại Bệnh Viện Bạch Mai

 

“Lâu nay, những người bệnh khi bước chân vào bệnh viện đều chỉ chăm chăm nghĩ tới việc dùng thật nhiều thuốc, cả thuốc bệnh, thuốc bổ để chữa bệnh. Và tất nhiên, việc ăn uống bồi dưỡng cũng được đặt lên là một trong những yếu tố quan trọng để bệnh nhân có thể nhanh hồi phục, nhưng cách chọn thực phẩm của người nhà bệnh nhân đôi khi lại chưa được khoa học. Việc chữa bệnh bằng dinh dưỡng ở Việt Nam đến nay hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Thậm chí nhiều bệnh viện còn chưa có cả khoa dinh dưỡng cũng như bác sĩ dinh dưỡng của mình”, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết.

 

“Trên thực tế, không phải cứ ăn thật nhiều chất bổ là sẽ tốt cho bệnh, mà mỗi loại bệnh, thậm chí mỗi loại thể trạng bệnh nhân, lại đòi hỏi phải có một thực đơn dinh dưỡng riêng”, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết.

Trong bối cảnh đó, “Dự án Viện khoa học dinh dưỡng" do Quỹ Abbott và Chương trình hợp tác sức khỏe toàn cầu của ĐH Y Boston phối hợp thực hiện tại Việt Nam đã ra đời, với sự tham gia của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Trường Đại học Y Hà Nội. Dự án kéo dài trong 4 năm (2010-2014), với tổng kinh phí là gần 80 tỷ đồng (3,8 triệu USD) đã thực sự ‘gieo” mầm lạc quan cho bệnh nhân, mang đến cơ hội khỏi bệnh nhanh hơn nhờ kết hợp dùng thuốc đúng và dinh dưỡng hợp lý.

 

Con số thống kế cho biết, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân nặng tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai đã giảm từ 20% xuống 12% nhờ các loại súp sữa, súp khoai do chính Trung tâm Dinh dưỡng nghiên cứu, đặc chế chuyên dùng qua ống thông được quốc tế công nhận về giá trị dinh dưỡng và độ an toàn. Đặc biệt, việc áp dụng chế độ ăn hợp lý cùng cách chế biến hợp vệ sinh không chỉ giúp nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, giảm chi phí sử dụng kháng sinh mà còn giúp giảm hẳn tiêu chảy, các bệnh đường tiêu hóa, giúp quá trình chăm sóc của các y tá, hộ lý, điều dưỡng và cả người nhà bệnh nhân trở nên nhẹ nhàng hơn.

 

 

TT Dinh dưỡng lâm sàng của bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng được 42 chế độ ăn áp dụng cho bệnh nhân người lớn (trong đó có đầy đủ chế độ ăn bình thường, chế độ bồi dưỡng, 07 chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường, 10 chế độ ăn cho bệnh nhân thận, 05 chế độ ăn cho bệnh nhân tim mạch, 06 chế độ ăn cho bệnh nhân tiêu hoá ,chế độ ăn cho bệnh nhân Gout, bệnh nhiễm khuẩn, hậu phẫu, chế độ ăn dành cho người nghèo) và 32 chế độ ăn áp dụng cho trẻ em bao gồm chế độ ăn cho các lứa tuổi, chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng, tiêu chảy và các chế độ ăn bệnh lý khác.

 

Thay vì trước đây, bệnh nhân đến viện phải tự lo ăn uống với khẩu phần tự do không được kiểm soát, thì hiện nay bệnh nhân nằm tại bệnh viện Bạch Mai được ăn theo chế độtùy theo bệnh lý, với sự kiểm tra giám sát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu nhập vào đến khâu chế biến, phân phát thức ăn tại trung tâm dịch vụ của bệnh viện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Các ”Hạt mầm” chuyên gia dinh dưỡng cho hệ thống y tể trên khắp Việt Nam

 

Không chỉ đóng vai trò như một mô hình thực hành hiệu quả nhất về dinh dưỡng lâm sàng tại bệnh viện, Trung tâm tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thiết lập các hoạt động ở mạng lưới bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ nhiều bệnh viện cấp tỉnh của Việt Nam để tổ chức khoa dinh dưỡng của riêng mình và đưa vào hoạt động. Những nỗ lực này bao gồm nâng cấp cơ sở nuôi dưỡng và thiết bị, khám sàng lọc và đánh giá chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân, tích hợp những thực hành dinh dưỡng hiệu quả nhất vào chế độ chăm sóc bệnh nhân trong toàn bệnh viện.

 

Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2010, dự án đã tổ chức hội nghị thường niên toàn quốc về dinh dưỡng lâm sàng. Mục đích của hội nghị nhằm giới thiệu những thông tin mới nhất về nghiên cứu và thực hành hiệu quả nhất về dinh dưỡng.

 

“Về đào tạo sau đại học, các sinh viên điều dưỡng, sau 3 năm học theo chương trình đào tạo chung, sẽ học 1 năm tập trung vào dinh dưỡng lâm sàng”, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết.

Nhằm hỗ trợ thiết lập một kênh liên lạc giữa các chuyên gia dinh dưỡng của bệnh viện, Đại Học Y Hà Nội đã tiến hành một chương trình đào tạo chứng chỉ điều dưỡng về dinh dưỡng lâm sàng, với lớp học đầu tiên kể từ năm 1982, lớp có 21 học viên vừa tốt nghiệp vào đầu năm 2013. Những học viên này là các điều dưỡng viên đã làm việc tại các bệnh viện và sau khóa đào tạo này họ sẽ quay trở lại nơi mình công tác để ứng dụng vào thực tế các kiến thức đã học được.

 

Tại lễ ra mắt Báo cáo trách nhiệm xã hội của Abbott Việt Nam vừa được ra mắt giữa tháng 11 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết: các tân sinh viên này sẽ là những hạt giống đầu tiên của mạng lưới dinh dưỡng viên được phát triển bởi chương trình đào tạo cử nhân dinh dưỡng, một chương trình do đội ngũ giảng viên uy tín giảng dạy cùng những hỗ trợ tích cực từ Abbott, bao gồm những hỗ trợ về mặt kinh phí cũng như những hỗ trợ chuyên gia nước ngoài chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo dinh dưỡng để cùng xây dựng nội dung chương trình và viết giáo trình. Cùng với chương trình đào tạo Chuyên khoa cấp 1 và Thạc sĩ về dinh dưỡng lâm sàng ở giai đoạn 2, những học viên tham gia được kỳ vọng là thế hệ góp phần nâng cao chất lượng dinh dưỡng của người dân Việt Nam trong tương lai.

 

Nhân Hà