Giấu cả nhà đi khám tâm thần vì sợ bị gọi là "người điên"
(Dân trí) - Bước xuống từ xe taxi, nam thanh niên trùm kín mít từ đầu đến chân cẩn thận quan sát xung quanh, sau đó bước vội qua cánh cổng bệnh viện tâm thần.
Sợ đi khám tâm thần
"Đi một mình", "sợ bị phát hiện", "lo lắng", BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương mô tả về hình ảnh của hầu hết các bệnh nhân đến khám tại cơ sở y tế này.
"Nhà cách bệnh viện chỉ 2km nhưng tôi vẫn phải đi taxi. Lỡ ai nhìn thấy thì ngại lắm", anh Huy (tên nhân vật đã được thay đổi), 32 tuổi, sống tại Cầu Giấy chia sẻ về hành trình đi khám tâm thần của mình.
Đã lập gia đình, có công việc ổn định nhưng người đàn ông này lại hay phải đối mặt với tình trạng tâm lý bất ổn.
Anh Huy chia sẻ: "Có lúc tôi cảm thấy mọi thứ đều màu hồng, tràn trề năng lượng và làm việc rất hiệu quả. Thế nhưng có lúc tâm trạng lại thay đổi 180 độ, rất bi quan về cuộc sống, đầu óc làm việc không thông".
Thời gian đầu, anh Huy lựa chọn tự mình đối mặt. Tuy nhiên, tình trạng nói trên tiếp diễn nhiều năm liền đã "âm thầm" hủy hoại cuộc sống và công việc của người đàn ông này.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, BS Thu chẩn đoán, anh Huy bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực (rối loạn lưỡng cực).
"Bệnh nhân mắc phải một dạng bệnh tâm thần tên là rối loạn lưỡng cực. Triệu chứng điển hình là bệnh nhân có những thái cực cảm xúc đối lập bao gồm hưng cảm - trầm cảm, xuất hiện từng giai đoạn", BS Thu phân tích.
Cụ thể, ở giai đoạn hưng cảm, người bệnh lúc nào cũng lạc quan, tươi vui, phấn khởi, thích làm việc và tự đánh giá cao bản thân mình hơn tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi rơi vào giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân lại buồn rầu, chán nản, thụ động một cách bất thường.
"Thời gian chuyển đổi giữa các giai đoạn có thể ngay trong ngày, sáng hưng cảm đến tối lại trầm cảm, nhưng trường hợp này rất ít. Thông thường, mỗi giai đoạn kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Sự chuyển đổi giữa 2 thái cực có thể tự xảy ra hoặc do một biến cố nào đó đóng vai trò ngòi nổ", BS Thu nói.
Chị Hương (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh năm 1995, sống tại Hà Nội cho biết bản thân từng mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Sau khi đi khám và được bác sĩ chẩn đoán mình mắc chứng trầm cảm, chị vẫn không dám kể cho ai vì từng bị chính người thân trong gia đình bảo chị đang "làm quá".
Nhớ về khoảng thời gian khó khăn đó, chị Hương nói điều ám ảnh nhất chính là phải đối mặt với căn bệnh một cách đơn độc.
"Không phải tôi muốn giấu bệnh, tôi từng chia sẻ mà bị gạt đi nên tôi mới không dám kể tiếp với ai, vì nói ra người nhà cũng chỉ một mực cho rằng do phải ở cữ, nên tôi khó chịu trong người chứ bảo trầm cảm chẳng ai tin", chị Hương nói.
"Mắc trầm cảm nên lúc nào tôi cũng cảm thấy mệt mỏi và buồn bực, lắm lúc cũng muốn tâm sự với người thân nhưng không ai hiểu nên lại đành nén lại trong lòng", chị bộc bạch.
Gần 15 triệu người Việt có rối loạn tâm thần
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người.
Rối loạn sức khỏe tâm thần cũng là một vấn đề y tế đáng báo động trên toàn cầu. Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần.
Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, có tới hơn 100 triệu người bị rối loạn sức khỏe tâm thần. Chỉ riêng rối loạn trầm cảm là nguyên nhân gây ra 5,73% gánh nặng bệnh tật ở khu vực này.
Những số liệu thống kê cho thấy rối loạn tâm thần là một bệnh lý rất phổ biến. Tuy nhiên, theo BS Thu, nhiều người mắc bệnh lý về tâm thần nhưng do ngần ngại khám đúng chuyên khoa, bởi vậy mà bị bỏ sót, không được chẩn đoán và điều trị đúng.
Chuyên gia này dẫn chứng tình trạng rối loạn lưỡng cực: "Đây là tình trạng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết mình mắc bệnh, hoặc biết bản thân có bất thường nhưng ngại đi khám.
Rối loạn lưỡng cực nếu không được điều trị thì sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày, cũng như công việc. Nguy hiểm hơn, về lâu về dài có thể phát sinh các biến chứng dẫn đến hậu quả đáng tiếc".
Trầm cảm sau sinh như trường hợp của chị Hương cũng là một vấn đề nhức nhối và ngày càng trở nên phổ biến.
Một thống kê cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh rơi vào khoảng 33% sản phụ. Tuy nhiên, có tới 50% số đó không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế. Nhiều gia đình chưa thật sự quan tâm đến trầm cảm sau sinh dẫn tới nhiều hậu quả đau lòng.
Theo BS Thu, những phụ nữ có nguy cơ cao mắc trầm cảm sau sinh là những người đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc gặp vấn đề tâm lý khác.
Đáng chú ý, trầm cảm sau sinh có tỷ lệ tái phát cao 25-68%. Có tới 20% các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cần phải can thiệp chuyên môn, nếu không có thể dẫn tới nhiều trường hợp đáng tiếc, đau lòng.
"Có những bà mẹ sinh con lần thứ 2 vẫn bị ám ảnh tiếng khóc của con không chịu đựng nổi", BS Thu nói.
Theo chuyên gia này, đã có quá nhiều câu chuyện đau lòng về hậu quả của trầm cảm sau sinh. Thế nhưng, mức độ nghiêm trọng của vấn đề sức khỏe tâm thần này vẫn chưa được xã hội quan tâm đúng mực.
"Nhiều trường hợp mẹ quá stress vì con quấy khóc đêm đã từng quăng con mạnh xuống giường nhiều lần, may mắn là bé không bị chấn thương sọ não. Một vài trường hợp khác thì người mẹ sau sinh rạch tay tự tử hoặc dọa tự tử.
Thậm chí, có những người mẹ không buồn chăm sóc con của mình, hoặc cấu véo để lại vết bầm tím trên da trẻ", BS Thu dẫn chứng.
Hệ lụy từ định kiến "Chỉ có người điên mới vào bệnh viện tâm thần"
"Khi một người mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, họ rất thoải mái chia sẻ với người thân và chấp nhận uống thuốc cả đời để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, mọi người lại cố chối bỏ hoặc giấu giếm việc mình gặp vấn đề về tâm thần", Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương nêu thực trạng.
BS Thu nhận định, sự hiểu lầm về bệnh lý tâm thần hay chính các sản phẩm giải trí, truyền thông đang tạo nên những định kiến "xấu, độc" về bệnh lý rối loạn tâm thần.
"Người điên là cách nhiều người vẫn dùng để chỉ chung cho các bệnh lý rối loạn tâm thần. Ngay cả trên một số bộ phim, hình ảnh người mắc bệnh lý tâm thần cũng được xây dựng rất xấu xí.
Chính những điều này dần hình thành nên một quan niệm "chỉ có người điên mới vào bệnh viện tâm thần". Sợ bị xem là người điên, sợ bị kỳ thị cũng trở thành lý do nhiều người biết mình có vấn đề về rối loạn tâm thần nhưng không dám đi khám", BS Thu phân tích.
Chuyên gia này ví các bệnh lý về rối loạn tâm thần như một "tảng băng trôi". Trong khi số lượng bệnh nhân được phát hiện và điều trị bởi chuyên gia y tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ, bệnh vẫn đang hàng ngày âm thầm tàn phá sức khỏe và cuộc sống của rất nhiều người.
Theo thống kê của WHO, ở các nước có thu nhập thấp, hơn 75% rối loạn tâm thần không được điều trị. Hàng năm, gần 3 triệu người chết do lạm dụng chất kích thích. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự sát. Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi.
BS Thu nhận định, người dân đang có sự đánh đồng giữa tất cả các bệnh lý rối loạn tâm thần với tâm thần phân liệt (tình trạng đặc biệt nặng).
Thực tế tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm rất nhỏ, khoảng 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác…
"Có một nhóm người bệnh rất nặng (tâm thần phân liệt), chúng ta cần giúp đỡ, cảm thông thay vì miệt thị, coi thường, gạt bỏ họ quá mức.
Việc miệt thị nhóm người này thậm chí sẽ ảnh hưởng đến cả các bệnh nhân chỉ gặp tình trạng vừa và nhẹ.
Thực tế đã chứng minh rối loạn tâm thần, bao gồm các tình trạng như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn lưỡng cực, rối loạn tự kỷ và nhiều tình trạng khác, đều có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc và tương tác xã hội của một người.
Cần xem đi khám tâm thần như đi khám mắt, dạ dày
"Hầu hết mọi người đều mắc phải một hội chứng liên quan đến bệnh tâm lý ở giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Khi công việc và học tập trở nên quá căng thẳng, ai trong chúng ta cũng có thể gặp phải những triệu chứng như lo âu, sợ hãi hay trầm cảm. Đây là điều hoàn toàn bình thường và không có gì phải xấu hổ", BS Thu chia sẻ.
Bệnh tâm lý có thể gặp ở bất cứ ai và ở bất cứ độ tuổi nào, thậm chí những người có đời sống vật chất đầy đủ và thành công trong sự nghiệp cũng có thể mắc bệnh. Đây không phải căn bệnh hiếm gặp và nên được nhìn nhận một cách thoải mái, tự nhiên như các căn bệnh khác về sức khỏe thể chất.
BS Thu cho rằng, bệnh nhân nên coi việc đi khám sức khỏe tâm thần đơn giản như việc đi khám dạ dày, khám mắt hay khám tai mũi họng bởi tất cả đều liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Bệnh nhân mắc bệnh lý tâm thần không được thăm khám và điều trị theo liệu trình đầy đủ có xu hướng thu mình lại, tìm đến chất kích thích như một cách giải tỏa. Điều này gây hại lớn đến cả sức khỏe tâm thần lẫn thể chất của người bệnh, nặng hơn có thể dẫn đến tự tử.
Bệnh tâm thần không phân biệt tuổi tác, giới tính, tầng lớp xã hội hay bất kỳ yếu tố nào khác. Nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai trong xã hội. Điều quan trọng là chúng ta cần cùng nhau loại bỏ sự kỳ thị và đối xử bình đẳng đối với những người bệnh tâm thần.
BS Thu phân tích, việc xóa bỏ sự kỳ thị còn đồng nghĩa với việc tạo ra cơ hội cho mọi người để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách thoải mái và không gặp rào cản.
Điều này cần yêu cầu cả xã hội và hệ thống y tế phải cùng nhau làm việc để đảm bảo rằng mọi người đều có quyền tiếp cận đến các dịch vụ điều trị và hỗ trợ tâm thần một cách dễ dàng và hiệu quả.
"Nhiều bệnh nhân đối mặt với những định kiến, phán xét từ chính người thân trong gia đình về căn bệnh của bản thân. Để có thể chấm dứt tình trạng này, người dân cần nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần, coi việc khám chữa chuyên khoa là một điều hiển nhiên như nhiều loại bệnh khác", BS Thu đưa ra lời khuyên.
Với sự hỗ trợ và điều trị đúng đắn, những người bệnh tâm thần có thể vẫn đóng góp rất tích cực cho xã hội và đạt được tiềm năng của họ. Rất nhiều thiên tài, người nổi tiếng, ngôi sao mang trong mình các bệnh lý này đã vượt qua được tình trạng bệnh của mình và tỏa sáng.