1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tiến sĩ trẻ chớm mắc tâm thần vì nghiện game

Minh Nhật

(Dân trí) - Người đàn ông dồn hết tâm trí và thời gian vào game. Cảm giác trải nghiệm khi chơi game, sự tiến bộ và thành tựu ảo tưởng trong thế giới game dần dần trở nên quan trọng hơn thực tế.

Tốt nghiệp tiến sĩ tại một nước châu Âu ở tuổi 30, anh Tú (tên nhân vật đã được thay đổi), trở về nước và dễ dàng xin được một công việc thu nhập cao về lĩnh vực kiến trúc.

Những tưởng anh Tú sẽ có một tương lai rộng mở phía trước, nhưng rồi người đàn ông này lại tự đưa mình vào ngõ cụt chỉ vì… nghiện game (trò chơi điện tử).

Xuất phát điểm chỉ là vài trận game xả stress sau giờ làm việc, người đàn ông này dần trở thành một "con nghiện" thế giới ảo lúc nào không hay.

Tiến sĩ trẻ chớm mắc tâm thần vì nghiện game - 1

Anh Tú dồn hết tâm trí và thời gian vào game (Ảnh: Getty).

Thời gian chơi game hàng ngày tăng dần lên, từ 1-2 tiếng đến nay đã lên tới 5 tiếng/ngày. Từ việc chỉ chơi lúc rảnh rỗi, anh Tú dần phụ thuộc vào game. Hôm nào không được chơi game, tâm lý trở nên bất thường, thậm chí là quát tháo với người thân nếu bị cấm cản.

Anh dồn hết tâm trí và thời gian vào game. Cảm giác trải nghiệm khi chơi game, sự tiến bộ và thành tựu ảo tưởng trong thế giới game dần dần trở nên quan trọng hơn thực tế.

Các hệ lụy bắt đầu xuất hiện. Dành quá nhiều thời gian cho game, anh Tú ngày càng chểnh mảng công việc. Các nhiệm vụ không được hoàn thành đúng hẹn biến người đàn ông này từ ngôi sao sáng trở thành "đội sổ" ở công ty. 

Anh ngày càng cảm thấy xa lạ, không có nhu cầu giao tiếp hay tương tác với mọi người - kể cả gia đình.

Thay vào đó, anh cô lập bản thân và chìm đắm vào thế giới ảo. Mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, cảm thấy buộc phải lướt màn hình để tiếp tục cuộc phiêu lưu ảo. Anh đặt ảnh nền máy tính là hình ảnh liên quan đến loại game yêu thích của mình. Mọi thứ trong cuộc sống chỉ xoay quanh game …

Trong suốt 3 năm trở lại đây, anh Tú liên tục phải chuyển việc vì không đáp ứng yêu cầu của công ty.

Cuối cùng, anh không làm gì nữa, chỉ chơi game suốt ngày đêm, quên ăn quên ngủ, sút cân nhanh tới mức gầy guộc xanh xao, đi lại không vững. Quá lo lắng cho con trai, gia đình buộc phải đưa anh đến khám tại bệnh viện.

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân mắc chứng nghiện game rất nặng.

Tiến sĩ trẻ chớm mắc tâm thần vì nghiện game - 2

TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Ảnh: Minh Nhật).

Ngay cả thời điểm đến viện, trong tình trạng "thân tàn ma dại" bệnh nhân vẫn ôm khư khư máy tính.

"Khi tôi hỏi bệnh nhân lựa chọn giữa một tương lai huy hoàng, đầy triển vọng khi bỏ game và tương lai đi vào ngõ cụt do nghiện game, bệnh nhân với ánh mắt vô hồn, chọn tiếp tục chơi game", BS Thu chia sẻ.

Điều này cho thấy những người mắc bệnh nghiện game không còn tỉnh táo, sáng suốt để suy nghĩ cho tương lai mà chỉ có nhu cầu thỏa mãn cơn nghiện, vì đây là cách duy nhất để làm họ thấy thỏa mãn. 

Chỉ đến khi sử dụng biện pháp cưỡng chế, điều trị tâm lý và dùng thuốc, anh Tú mới chịu thoát ly khỏi máy. Tuy nhiên, theo BS Thu việc cai nghiện game cho nam bệnh nhân này cực kỳ khó khăn.

Với trường hợp này, theo BS Thu điều quan trọng là gia đình phải đảm bảo tốt việc cách ly bệnh nhân khỏi "tác nhân gây nghiện" (game). Tuy nhiên, vì bệnh nhân đã trưởng thành, việc can thiệp của bố mẹ trở nên khó khăn hơn, dẫn đến tình trạng sau đợt điều trị một thời gian, anh lại "tái nghiện".

"Quá trình điều trị cực kì phức tạp, đặc biệt là với thời đại công nghệ hiện nay, việc cách ly các thiết bị công nghệ sẽ khiến cuộc sống rất tẻ nhạt, tụt hậu và gặp nhiều khó khăn.

Vậy nên, quá trình cách ly là một thách thức lớn khi người nghiện game phải chấp nhận rời xa các thiết bị kết nối internet từ 6 năm trở lên. Trong thời gian đó gia đình cũng phải chấp nhận không được dùng internet để giúp con điều trị", BS Thu phân tích.

Anh Tú là một trong rất nhiều trường hợp nghiện game nói riêng và thiết bị điện tử nói chung mà BS Thu đã tiếp nhận điều trị. BS Thu nhận định, con số này gia tăng mạnh trong những năm trở lại đây.

"Cuộc sống bận rộn khiến nhiều gia đình không kiểm soát được con. Thậm chí, nhiều phụ huynh để điện thoại, máy tính thay mình "chăm sóc" trẻ từ rất sớm. Do đó, việc gia tăng người trẻ bị nghiện đồ công nghệ là điều dễ hiểu", BS Thu phân tích.

Theo chuyên gia này, bệnh nhân nghiện đồ công nghệ trẻ nhất từng tiếp nhận chỉ trong khoảng 3-5 tuổi. Không chỉ người trẻ, có không ít bệnh nhân là người trưởng thành.

Nghiện game đe dọa sức khỏe tinh thần của người mắc và đặc biệt nguy hiểm với những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tâm thần. Đối với các trường hợp tiềm ẩn bệnh tâm thần thì lạm dụng game được coi là nút kích hoạt khiến cho bệnh xuất hiện và nặng lên.

"Hậu quả kể đến là các bệnh nhân có thể có những hành vi, thái độ tiêu cực trong đời thực do tập nhiễm, do xu hướng bắt chước nội dung bạo lực, không lành mạnh trong game hoặc xuất hiện triệu chứng lo âu, trầm cảm.

Biến chứng nặng nhất của trầm cảm là tự sát còn biến chứng nặng nhất của lo âu là mất sức lao động bởi các bệnh nhân liên tục lo lắng, căng thẳng quá mức", bác sĩ Thu giải thích về các hậu quả khôn lường của nghiện game.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm