1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giáo sư, bác sĩ bị "ăn cắp" hình ảnh để quảng cáo thuốc

Minh Nhật

(Dân trí) - Mới đây GS.TS Nguyễn Lân Dũng đã bày tỏ bức xúc về tình trạng hình ảnh của ông liên tục bị lợi dụng để tăng uy tín cho các quảng cáo bán thực phẩm chức năng, thuốc.

Việc hình ảnh của người nổi tiếng bị tự ý sử dụng trái phép để "lồng ghép" vào các sản phẩm liên quan đến sức khỏe đặc biệt là các sản thực phẩm chức năng, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, trong nhiều năm qua đã trở thành một vấn đề nhức nhối.

Mới đây GS.TS Nguyễn Lân Dũng đã bày tỏ bức xúc về tình trạng hình ảnh của ông liên tục bị lợi dụng để tăng uy tín cho các quảng cáo bán thực phẩm chức năng, thuốc.

Giáo sư, bác sĩ bị ăn cắp hình ảnh để quảng cáo thuốc - 1

Một trang Facebook giả mạo hình ảnh của GS.TS Nguyễn Lân Dũng.

Trao đổi với Dân trí, GS.TS Nguyễn Lân Dũng xác nhận thời gian vừa qua, hình ảnh của ông bị sử dụng bất hợp pháp để lồng ghép vào trong các quảng cáo bán thuốc, tảo xoắn.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng khẳng định bản thân không quảng cáo bất kì loại thuốc nào như: thuốc khớp, dạ dày, tảo xoắn…

Không chỉ có người nổi tiếng, các bác sĩ cũng trở thành "nạn nhân" của tình trạng ăn cắp hình ảnh để quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng.

Bệnh viện Da Liễu Trung ương vừa qua cũng đã đăng thông tin cảnh báo về tình trạng giả mạo, tự ý sử dụng hình ảnh của bác sĩ của bệnh viện để lừa đảo, trục lợi.

Cụ thể, có nhiều tài khoản/trang facebook đã tự ý sử dụng hình ảnh của GS.TS.Trần Hậu Khang và Bệnh viện Da liễu Trung ương, đồng thời tự xưng là GS.TS Trần Hậu Khang nhằm mục đích trục lợi.

Giáo sư, bác sĩ bị ăn cắp hình ảnh để quảng cáo thuốc - 2

Nhiều trang Facebook sử dụng trái phép hình ảnh của y, bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương để lừa gạt người dân (Ảnh: BVCC).

Bên cạnh việc sử dụng hình ảnh của bác sĩ để giả danh, những tài khoản/trang facebook kể trên còn đăng tải những hình ảnh hội thoại qua tin nhắn với người bệnh và các biên lai thu tiền bệnh nhân.

Trong một cảnh báo khác, Bệnh viện Da liễu Trung ương thông tin: "Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận được phản ánh về trang Fanpage "Kem Bôi Da Thuần Mộc Chính Hãng _GDKD Huyền Trần" cùng 2 trang Facebook cá nhân có tên lần lượt là "Huyền Trần" và "Trịnh Hương" đã đăng hình ảnh về một đơn thuốc có thông tin trên cùng bên trái về Bệnh viện Da liễu Trung ương (PK Giáo sư/Phó Giáo sư số 5), tuy nhiên mọi thông tin ở phần còn lại của đơn thuốc đã được chỉnh sửa, cắt ghép. Bệnh viện Da liễu Trung ương xin khẳng định không cung cấp sản phẩm có tên "Thuần mộc - Thanh mộc hương" như hình, và không có mối liên hệ nào với các trang Facebook kể trên. Ngoài ra, Bệnh viện chỉ khám, điều trị và bán thuốc trực tiếp tại quầy thuốc cho người bệnh tại địa chỉ duy nhất là 15A Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội".

Bệnh viện Da liễu Trung ương khẳng định, đây là những hành vi sử dụng hình ảnh của các bác sĩ bệnh viện khiến nhiều người tin tưởng về chất lượng của các sản phẩm. Việc làm này khiến người dân có thể có nhận định không đầy đủ về các sản phẩm, cơ sở này dẫn đến việc lựa chọn phương pháp điều trị sai lầm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh. Bên cạnh đó cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Trước đó, nhiều bệnh viện Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ... cũng đã cảnh báo tới người dân cẩn trọng trước các thông tin quảng cáo tư vấn bán thuốc, khám chữa bệnh trên mạng.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng mạo danh bệnh viện hoặc sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, người nổi tiếng, để lừa đảo tư vấn, bán thuốc, cung cấp dịch vụ thu tiền…

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe lừa đảo người tiêu dùng vẫn nhan nhản trên mạng xã hội, các trang web.

Ông Phong cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác trước những quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm. "Cần ghi nhớ, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không thể có công dụng chữa bệnh như thuốc mà chỉ có công dụng hỗ trợ giảm các triệu chứng bệnh. Cũng tuyệt đối không nghe quảng cáo loại nọ loại kia chữa khỏi bệnh mà bỏ qua cơ hội điều trị bệnh sẽ rất nguy hiểm", ông Phong nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm