Giảm cân "cấp tốc" ngày Tết: Cẩn thận tiền mất tật mang
(Dân trí) - Để nhanh có vóc dáng đẹp cho ngày Tết, không ít người đã lựa chọn phương pháp uống thuốc giảm cân hay thậm chí là nhịn ăn cực đoan.
Giảm cân để có một vóc dáng đẹp ngày Tết là nhu cầu chung của nhiều người, đặc biệt là các chị em. Tuy nhiên, vì cuộc sống bận rộn, không có nhiều thời gian cho các hoạt động thể thao hoặc vì mong muốn giảm cân cấp tốc, không ít trường hợp đã lựa chọn phương pháp uống thuốc giảm cân hay thậm chí là nhịn ăn cực đoan.
Tuy nhiên, theo TS Chu Thị Tuyết, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị, những cách giảm cân "cấp tốc" này thường tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Người dân cần thận trọng để tránh cảnh "tiền mất, tật mang".
Cụ thể, theo TS Tuyết, các loại thuốc giảm cân đến từ các nhãn hiệu không uy tín, được quảng cáo có thể giảm vài kg cân nặng chỉ trong thời gian vài ngày thường sẽ hoạt động theo những cơ chế gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe người sử dụng.
TS Tuyết chỉ ra 3 hướng tác động chính vào cơ thể của các loại thuốc giảm cân này:
Loại thứ nhất sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây cảm giác chán ăn. "Sau khi uống thuốc giảm cân, chúng ta lúc nào cũng thấy no. Nhưng nếu không ăn đủ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vi chất. Việc thiếu vi chất sẽ gây ra một loạt các ảnh hưởng xấu đến cơ thể như: khiến người luôn trong trạng thái mệt mỏi, thậm chí làm phát sinh bệnh lý".
Loại thứ hai, theo TS Tuyết, là thuốc giảm cân tác động lên hệ tiêu hóa. Nghĩa là khi ăn vào chúng ta sẽ đào thải ra luôn. Nếu lạm dụng loại thuốc giảm cân này trong thời gian dài sẽ rất nguy hiểm. TS Tuyết nhấn mạnh rằng, trong thành phần dinh dưỡng và hệ thống tiêu hóa sẽ chứa rất nhiều chất điện giải. Nếu loại bỏ chất dinh dưỡng cũng chính là loại bỏ chất điện giải, trong khi vai trò của nó rất quan trọng. "Đặc biệt nếu bệnh nhân đi ngoài quá nhiều thì kali máu giảm rất nhanh gây tình trạng mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, khiến người bệnh yếu dần đi và thậm chí là dẫn tới tử vong", TS Tuyết phân tích.
Loại thứ ba là thuốc tác động đến quá trình tiêu hóa gây mất nước. Trong trường hợp hệ tiêu hóa mất một lượng lớn dịch sẽ gây tình trạng chướng bụng, không muốn ăn rất nguy hiểm. Ngoài ra, còn có các thuốc tác động quá trình chuyển hóa, ví dụ như làm cơ thể không hấp thu chất béo. Theo TS Tuyết, những loại thuốc này cũng không nên sử dụng.
TS Tuyết cũng cảnh báo về phương pháp giảm cân bằng cách nhịn ăn cực đoan. "Tôi thấy nhiều người giảm cân mà gần như nhịn ăn hoàn toàn thì rất phản khoa học. Có nhiều người khi đến với chúng tôi thậm chí còn chia sẻ rằng cả ngày không ăn chút gì mà chỉ ăn hoa quả, có khi ăn cả nải chuối", TS Tuyết nói.
Theo TS Tuyết, cơ thể khi muốn chuyển hóa và phục vụ các hoạt động sống cần được cung cấp 4 nhóm thực phẩm chính là: protit, lipit, gluxit, vitamin và chất khoáng. Nếu bữa ăn trong ngày chỉ có hoa quả sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng, bên cạnh đó đường trong hoa quả cũng khá cao.
"Chúng tôi khuyến cáo mỗi ngày chỉ nên ăn 200 - 300g hoa quả như vậy là vừa đủ lượng vitamin và cũng khống chế được lượng đường. Nếu chúng ta nhịn ăn cực đoan thì chỉ có thể duy trì được vài ngày. Sau đó đói quá lại ăn vào nhiều thì rất phản khoa học", TS Tuyết cho hay.
Theo chuyên gia này, bản chất của việc giảm cân là cần phải ăn cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng có cách kiểm soát từng bước. Đi đôi với chế độ dinh dưỡng cần phải có vận động thể chất để năng lượng không bị dư thừa.
"Mức tiêu hao năng lượng trong một ngày ở người trưởng thành khoảng 1.800- 2.200 kcal tùy thuộc vào giới, mức độ lao động nhưng khi chúng ta nạp vào quá với nhu cầu hàng ngày mà không vận động chỉ ngồi, nằm, lướt web sẽ gây tình trạng thừa năng lượng. Do đó cần có chế độ tập luyện phù hợp. Bên cạnh các môn thể thao, những vận động đơn giản như đi bộ, đạp xe cũng đã rất hữu ích, vừa tốt cho hệ tim mạch, vừa đốt cháy năng lượng thừa", TS Tuyết nhấn mạnh.