Giải pháp đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Minh Nhật

(Dân trí) - Bên cạnh điều trị, dinh dưỡng khoa học là điều rất quan trọng với bệnh nhân ung thư.

Ung thư ảnh hưởng thế nào đến chế độ dinh dưỡng?

Giải pháp đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư - 1

Dinh dưỡng khoa học giúp bệnh nhân ung thư giữ cân nặng khỏe mạnh, duy trì sức mạnh, giữ các mô trong cơ thể khỏe mạnh, và giảm các tác dụng phụ trong và sau điều trị.

Tuy nhiên, đối với nhiều bệnh nhân, sự ảnh hưởng của ung thư và phương pháp điều trị ung thư làm cho họ khó ăn uống được tốt.

Cụ thể, theo Viện Ung thư Quốc gia, ung thư và điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến vị giác, khứu giác, cảm giác ngon miệng và khả năng ăn đủ thức ăn hoặc khả năng hấp thu dưỡng chất từ thức ăn. Việc dinh dưỡng kém có thể gây cho người bệnh thấy yếu đi, mệt mỏi, và không thể chống lại tình trạng nhiễm trùng hoặc hoàn tất điều trị ung thư. Dinh dưỡng kém có thể bị nặng thêm nếu ung thư phát triển và lan tràn.

Giải pháp đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Giải pháp đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư - 2

Các phương pháp điều trị sẽ khiến cho bệnh nhân ung thư cảm thấy chán ăn, buồn nôn, nôn, thay đổi vị giác… từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân.

Để khắc phục tình trạng này, Viện Ung thư Quốc gia khuyến cáo những giải pháp sau đây:

Khắc phục triệu chứng chán ăn

- Ăn những thực phẩm có hàm lượng đạm và năng lượng cao. Ví dụ như: đậu, thịt gà, cá, thịt heo, sữa chua, trứng,…

- Bổ sung đạm và năng lượng vào thức ăn, như dùng thêm sữa giàu đạm. Ăn những thức ăn giàu đạm trước, trong bữa ăn, khi mà có nhiều cảm giác ngon miệng.

- Chỉ uống rất ít nước/chất lỏng trong bữa ăn.

- Uống các loại sữa, sinh tố, trái cây, súp nếu cảm thấy không thích ăn đồ ăn đặc.

- Chia nhỏ bữa ăn và dùng các snack lành mạnh trong ngày.

- Ăn nhiều hơn khi bạn thấy khỏe.

Khắc phục triệu chứng buồn nôn

- Chọn thức ăn mà bạn thấy dễ chịu. Đừng ép bản thân ăn những thức ăn gây cảm giác không thoải mái. Đừng ăn những thức ăn yêu thích khi buồn nôn, vì dễ tạo mối liên hệ giữa đồ ăn và cảm giác không khỏe.

- Ăn những thức ăn mềm, nhừ, dễ tiêu hóa.

- Dùng thực phẩm nguội (không quá nóng, hoặc quá lạnh).

- Có thể dùng các loại kẹo cứng mùi bạc hà hoặc mùi chanh nếu cảm giác đắng miệng.

- Tránh xa các thức ăn, thức uống có mùi nồng.

- Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa mỗi ngày thay vì 3 bữa chính.

- Chỉ nên uống ít nước trong bữa ăn để tránh bị cảm giác đầy bụng.

- Không nên bỏ bữa. Dạ dày trống sẽ gây cảm giác buồn nôn tệ hơn.

Khắc phục triệu chứng nôn

- Đừng ăn hay uống gì cho tới khi ngừng nôn. Chỉ uống ít nước lọc sau khi ngừng nôn.

- Sau khi có thể uống nước mà không nôn, dùng các thực phẩm lỏng như súp, sữa giúp dịu bao tử.

- Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa.

Khắc phục triệu chứng thay đổi vị giác

- Ăn thịt gà, cá, trứng và phô-mai thay vì ăn thịt đỏ.

- Thêm gia vị và nước sốt vào thức ăn.

- Cố gắng ăn các món yêu thích nếu bạn không bị buồn nôn.

- Nhai chậm hơn và lâu hơn để giúp thức ăn tiếp xúc các nụ vị giác của lưỡi nếu bạn thấy không có vị giác.