1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giá thuốc: Tăng vù vù, giảm nhỏ giọt

Giá một số loại thuốc tiếp tục tăng trong thời gian gần đây khiến người bệnh chỉ biết “ngửa cổ kêu trời”.

Giá thuốc: Tăng vù vù, giảm nhỏ giọt  - 1

Ảnh minh họa
  

Méo mặt vì thuốc tăng giá

 

Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều nhà thuốc tư nhân trên địa bàn TP. Hà Nội đã tự do đội giá thuốc lên tùy ý. Khảo sát của PV tại một số cửa hàng thuốc tại Hà Nội cho thấy, nhiều loại thuốc đã tăng giá nhiều so với tháng 6.

 

 Tại nhà thuốc tư nhân trên đường Nguyễn Thị Định, thuốc Lacalut xanh, đỏ của Đức trị viêm nhiễm răng lợi có giá 55.000 đồng/tuýp trong khi cũng loại thuốc này thời điểm tháng 6 là 48.000 đồng/tuýp; Solmuc siro đã tăng lên 23.000 đồng/lọ (so với 21.500 đồng/lọ); Azirode 54.000 đồng/hộp (so với 50.000 đồng/hộp); V -Rohto 13ml tăng 33.000 đồng/lọ (so với 30.000 đồng/lọ)….

 

Sáng 12/7, chị Nguyệt đi mua thuốc Solmuc giảm ho long đờm (đường Phương Mai) phát hoảng vì tăng giá lên gần 300.000 đồng/hộp. Không tin, chị tới 3 nhà thuốc thì nhận được báo 3 giá khác nhau. Chị Nguyệt nhăn nhó kể, tháng trước chị cũng mua hộp thuốc này chỉ 220.000 đồng/hộp thì nay tăng lên 228.000 đồng/hộp, có chỗ giá tăng lên đến 250.000 đồng/hộp là cùng. Thắc mắc hỏi nhân viên bán thuốc thì họ trả lời qua quýt “Thuốc bán đúng giá niêm yết trên bao bì”!

 

Bác Hoàng Văn Vỹ (Hoàng Quốc Việt, HN) bị ngứa khắp toàn thân đã lâu nên thường xuyên phải dùng thuốc bôi. Theo đơn kê của bác sĩ tại Viện Da liễu quốc gia, bác đi mua thuốc Gele Betacloge Cream nhưng mỗi lần mua là một giá khác nhau. Bác Vỹ bức xúc nói: “Bình thường tôi vẫn mua 15.000 đồng/tuýp nhưng giờ đã lên 18.000 đồng rồi 20.000 đồng/tuýp rồi. Giá thuốc chỉ thấy tăng mà không thấy giảm bao giờ. Xem ra chỉ còn cách… bôi tiết kiệm thuốc cho được lâu thôi”.

 

Tăng 10 giảm 1

 

Khảo sát của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược VN về tình hình thị trường dược phẩm tháng 6 vừa qua cho thấy, nhiều loại thuốc đã đua nhau tăng giá. Đáng chú ý là mặt hàng thuốc ngoại nhập, trong số 3.097 lượt mặt hàng được khảo sát có 20 lượt mặt hàng tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 5,2% và tuyệt nhiên không có mặt hàng nào giảm giá.

 

Tăng nhiều nhất là Dicloan từ Nitromint Spray tăng từ 55.000 đồng/lọ lên 60.000 đồng/lọ; Urgo tăng từ 29.488 đồng/hộp lên 31.815 đồng/hộp; Ocuvit từ 150.000 đồng/hộp lên 157.000 đồng/hộp; Cefadroxil 500mg từ 93.000 đồng/hộp lên 95.000 đồng/hộp….

 

Với mặt hàng thuốc nội, cũng có 53 lượt mặt hàng tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 4,6% trong khi chỉ có 5 lượt mặt hàng giảm giá với sức giảm hết sức… nhỏ giọt!.

 

Cụ thể, thuốc tăng giá: Hydrite từ 96.000 đồng/hộp lên 100.000 đồng/hộp; Solmuc tăng từ 220.000 đồng/hộp lên 228.000 đồng/hộp; Neopyrazole tăng từ 117.000 đồng/hộp lên 121.000 đồng/hộp….

 

Trong khi giá thuốc tăng tính bằng đơn vị nghìn thì thuốc giảm giá chỉ nhỏ giọt từng đồng một. Trong số 5 mặt hàng thuốc giảm giá được khảo sát thì giảm nhiều nhất là Ceelin siro giảm 1.500 đồng/hộp. Cụ thể: Cefalexin 500mg giảm từ 8.300 đồng/vỉ xuống 8.200 đồng/vỉ; Ceelin siro giảm từ 24.500 đồng/lọ xuống 23.000 đồng/lọ; Ampixilin 500mg và Amocilin 500mg cùng giảm từ 6.400 đồng/vỉ còn 6.200 đồng/vỉ; Sanbutamul 2mg giảm 520 đồng/vỉ còn 480 đồng/vỉ.

 

Theo dự báo của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược VN, giá thuốc trong nước thời gian tới vẫn có thể tiếp tục tăng do các yếu tố đầu vào cho sản xuất như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải… đều tăng. Do đó, giá các mặt hàng thuốc nhập khẩu có thể sẽ vẫn tăng do giá nhập khẩu, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng.

 

Cứ tình hình tăng giá thuốc như hiện nay e rằng, chi phí thuốc của bệnh nhân sẽ ngày càng “nặng gánh hai vai”.

 

Theo Dương Hải

Lao động