1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giá thuốc bị đội giá khi đến tay người bệnh

(Dân trí) - “Giá thuốc tại Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng cũng bị đội giá lên rất nhiều bởi có quá nhiều công ty, tầng nấc trung gian tham gia phân phối, làm thị trường dược tại Việt Nam hỗn loạn”!

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Chủ tịch Hội dược học TPHCM cho biết bên lề Hội nghị giao ban công tác Dược - Mỹ phẩm diễn ra ngày 25/12.

Tiết kiệm tiền hay đề xuất giá “trên trời”?

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: nhờ có các quy định mới về đấu thầu thuốc, cải các thủ tục hành chính, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch trong công tác đấu thầu, kết quả trúng thầu của 26 Sở Y tế, bệnh viện và viện có giường trực thuộc Bộ Y tế cho thấy giá tiền mua thuốc đã tiết giảm được 35,5% so với giá cũ và sẽ tiếp tục giảm sau khi triển khai Luật đấu thầu.

Tại Việt Nam có hơn 21.000 loại thuốc có số đăng kí còn hiệu lực
Tại Việt Nam có hơn 21.000 loại thuốc có số đăng kí còn hiệu lực

TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cũng cho rằng, một tín hiệu đáng mừng trong tình hình, sản xuất, kinh doanh thuốc, đó là chi tiêu cho thuốc sản xuất trong nước tăng nhiều hơn so với thuốc nhập khẩu.

Cụ thể, trong năm 2014, trị giá thuốc sản xuất trong nước là 1.390.000 tăng lên 1.649.000 năm 2015. Thuốc ngoại cũng tăng nhưng mức tăng ít hơn, từ 1.870.000 lên 2057.000. Cơ cấu sử dụng thuốc tại các bệnh viện cho thấy việc sử dụng thuốc biệt dược gốc có tăng lên, khoảng 40%. Thuốc Việt Nam sản xuất đạt 29%. “So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam có thị phần thuốc trong nước cao nhất xét về số lượng thuốc”, TS Cường cho biết.

Tuy nhiên, cũng tham dự hội nghị này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Chủ tịch Hội dược học TPHCM băn khoăn cho rằng số tiền qua đấu thầu thuốc thực chất không phải là tiết kiệm. “Không phải tiết kiệm. Nếu nói tiết kiệm thì cùng một mặt hàng đó, năm trước tôi mua thế này, năm sau thế này. Còn nếu thay mặt hàng đó bằng mặt khác rẻ hơn dẫn đến tăng số ngày điều trị chưa chắc đã tiết kiệm. Thực chất, đây là chúng ta lấy giá trúng thầu trừ đi giá kế hoạch, ra một khoản chênh lệch thì chúng ta kêu là tiết kiệm”, bà Lan nói.

Đại biểu này còn cho rằng, con số chênh lệch này càng lớn thì càng cho thấy chúng ta xây dựng giá kế hoạch không sát với thực tế. “Khi xây dựng với giá trên trời, kết quả trúng thầu giá sẽ chênh lệch rất nhiều. Hơn nữa, có thể phân tích về giá trị thực của trúng thầu và tiết kiệm sử dụng thuốc. Theo đó, năm 2010 tổng số tiền chi cho thuốc của BHYT là 11.564 tỷ đồng. năm 2014 là 27 tỷ, năm 2015 là 30 tỷ, vậy thực chất có tiết kiệm không? Hơn nữa, với tỷ lệ thuốc biệt dược gốc tăng lên 40% (là loại thuốc đắt) thì có thể tiết kiệm được không?”, bà Lan phân tích.

Về chuyên môn, với các bác sĩ, để an toàn nhất, họ rất thích sử dụng thuốc biệt dược gốc. Vấn đề này không là câu chuyện của riêng Việt Nam mà cả thế giới, bởi đây là thuốc có những yếu tố hơn hẳn về chất lượng, độ an toàn, được nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng mức giá lại rất cao.

Bà Lan cho biết cá nhân bà không phản đối sử dụng thuốc biệt dược gốc, nhưng phải có chính sách sử dụng, làm sao để tương quan giữa hiệu quả điều trị và giá thành kinh tế. Tốt nhất chỉ dùng với trường hợp bệnh nặng, còn không nên thay thế sử dụng generic vì có những thuốc generic chất lượng cao, xuất phát từ các nhà máy đạt chuẩn cao. Số tiền BHYT chi trả cho 40% thuốc biệt dược có thể giúp cứu nhiều bệnh nhân hơn nhờ thuốc generic.

Thuốc đội giá vì đường đi lòng vòng

Theo đại biểu này, giá thuốc tại Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng cũng bị đội giá lên rất nhiều bởi có quá nhiều công ty, tầng nấc trung gian tham gia phân phối làm thị trường dược tại Việt Nam hỗn loạn. Thuốc tới tay người tiêu dùng bị đội giá lên rất nhiều.

“Cả nước có gần 2.000 công ty phân phối, trong đó riêng TPHCM đã chiếm quá nửa. Thử hỏi lấy tiền đâu nuôi bộ máy phân phối ấy? Từ chênh lệch giá. Vì thế, phải giải quyết được mới giúp giá thuốc về giá trị thật. Đôi khi nhà sản xuất không lãi bằng đội ngũ trung gian, phân phối”, bà Lan nói.

Bên cạnh đó khống chế tình trạng bác sĩ bắt tay công ty dược lấy hoa hồng thì mới giảm được giá thuốc. Còn nếu quản lý theo kiểu công ty dược kê khai, họ vẫn kê khai giá công khai tại Cục Dược nhưng qua khâu trung gian, đến tay người dân thì giá đã khác.

Một điểm rất “có vấn đề” mà đại biểu này phân tích, đó là khó kiểm soát thị trường dược vì có đến hơn 21 nghìn mặt hàng. Và điều đáng ngại nhất, là rất nhiều thuốc generic của nước ngoài không có gì đặc biệt nhưng ta vẫn mở cửa ào ào cho vào thị trường. “Chúng ta không có hàng rào kỹ thuật, chúng ta không đi thẩm định tại cơ sở sản xuất nước ngoài, không kiểm định mẫu 100% khi vào trong nước... Khi các thuốc này vào được Việt Nam, nó phải tìm cách để tồn tại. Thị trường dược hiện tại như tình trạng thả gà cho đuổi. Từ thuốc generic của Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan... đều có. Tôi không có thành kiến về thuốc của các quốc gia, nhưng ở đất nước nào cũng có doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp chưa đạt và nhiệm vụ chúng ta phải gác cửa cho người dân”, bà Lan nói.

Hồng Hải