Gia tăng số vụ người tâm thần phạm tội - Vì sao?
Người bệnh tâm thần nếu không được kiểm soát bệnh tốt, có thể gây ra rất nhiều tội phạm nghiêm trọng khác nhau. Vì vậy xã hội chúng ta cần có những nỗ lực gì để ngăn chặn điều này?
Hành vi bạo lực
Tỷ lệ bạo lực xảy ra trước khi nhập viện ở bệnh nhân hưng cảm hoặc tâm thần phân liệt là giống nhau. Cả hai rối loạn này dường như gây bạo lực nhiều hơn so với các bệnh nhân có chẩn đoán khác. Bệnh nhân hưng cảm hầu hết tấn công trong giai đoạn bệnh tiến triển cấp tính lúc nhập viện. Các giả thuyết cho rằng, bệnh nhân hưng cảm có khuynh hướng cao mất kiểm soát xung động, có thể gây ra bạo lực. Còn hành vi bạo lực trong tâm thần phân liệt xảy ra dưới sự chi phối của hoang tưởng, ảo giác, kích động căng trương lực, trạng thái bồn chồn, bất an.
Bạo lực ở người nghiện heroin thường xảy ra trong trạng thái cai ma túy, khi người nghiện đang thèm ma túy mạnh mẽ, họ sẵn sàng làm mọi việc để được thỏa mãn nhu cầu về heroin của họ.
Bạo lực ở người nghiện rượu thường xảy ra trong trạng thái say rượu, nhưng cũng có thể xảy ra trong giai đoạn cai rượu, tương tự như nghiện heroin.
Bạo lực ở người nghiện ma túy đá (ecstasy) xảy ra trong trạng thái phê ma túy, bệnh nhân mất kiểm soát hành vi của mình. Bạo lực cũng xảy ra trong trạng thái loạn thần do ma túy (ngáo đá) do sự chi phối của hoang tưởng bị truy hại và ảo thanh ra lệnh.
Fazel xem xét tất cả các bằng chứng cho thấy nguy cơ tội phạm bạo lực trong dân số nói chung ở người lạm dụng ma túy hoặc rượu lớn hơn những người không lạm dụng hai chất này 6-8 lần. Nguy cơ tội phạm bạo lực trong số những người bị rối loạn lưỡng cực kết hợp với lạm dụng chất đồng hành được nâng lên bởi cùng một tỷ lệ là 6-7 lần. Tuy nhiên, mức độ lạm dụng chất trong số những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực vào khoảng 20-25% cao hơn rất nhiều so với 2% trong dân số chung.
Một số nghiên cứu cho thấy chỉ dưới 50% những người bị rối loạn lưỡng cực có một số lần sử dụng bạo lực, bệnh nhân rối loạn lưỡng cực trong giai đoạn hưng cảm hoặc giai đoạn hỗn hợp dễ bị kích động có thể dẫn tới gây hấn cưỡng bức. Trong giai đoạn trầm cảm có thể liên quan với tình trạng chán nản nặng với kích động và khó chịu cũng có nguy cơ bạo lực, ngay cả trong giai đoạn khí sắc tương đối ổn định. Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, đặc biệt là những người có rối loạn nhân cách ranh giới kèm theo có thể có tính xung động mạn tính dễ gây hấn.
Các tội phạm nhỏ
Hành vi bạo lực tối thiểu và đe dọa bạo lực, lừa dối, nói dối, tạo ra các văn bản lừa dối các tổ chức cơ quan, hành vi tình dục không phù hợp, quấy rầy gây khó chịu cho người khác hay gặp ở bệnh nhân hưng cảm, nghiện ma túy, nghiện game online.
Các tội phạm nghiêm trọng khác
Bao gồm các tội gây chết người do lái xe mạo hiểm, phóng hỏa và hiếp dâm, gây thất thoát tài sản nhà nước, tập thể một cách nghiêm trọng, tội chống phá nhà nước... hay gặp ở bệnh nhân hưng cảm, tâm thần phân liệt và nghiện ma túy.
Lý do gây ra các tội này là bệnh nhân có sự gia tăng hoạt động quá mức, tự cao, hoang tưởng tự cao, nên bệnh nhân dễ đầu tư mạo hiểm, không đúng khả năng, kết hợp với việc tạo ra các văn bản giả mạo lừa dối các tổ chức cơ quan gây thất thoát tài chính nặng nề cho tổ chức xã hội.
Giải pháp nào để ngăn chặn?
Việc đầu tiên cần phải làm ngay là cần phát hiện sớm người bệnh tâm thần. Đối với những người mắc bệnh tâm thần cần chú trọng quá trình điều trị vì đây là một bệnh mạn tính nên đòi hỏi chăm sóc, theo dõi, chữa trị một cách lâu dài, có nhiều bệnh cần điều trị cả đời như tâm thần phân liệt.
Về phía Nhà nước và Chính phủ, các cơ quan chức năng cần đầu tư cả nhân lực, vật lực cho việc chăm sóc, chữa trị căn bệnh này một cách thỏa đáng. Trước hết, cần duy trì những thành quả mà công tác chăm sóc, quản lý, chữa trị người bệnh tâm thần tại cộng đồng đã đạt được trong nhiều năm nay, tránh cắt giảm quá nhiều kinh phí, làm người bệnh không có thuốc điều trị, khiến bệnh tái phát, nặng lên, gây bất ổn nghiêm trọng cho xã hội.
Về phía người nhà bệnh nhân, cần giúp đỡ người bệnh trong quá trình điều trị, tránh bỏ điều trị giữa chừng khiến bệnh trở nên khó điều trị, người bệnh có thể gây ra những tội phạm nghiêm trọng khó lường.
Theo PGS. TS. Bùi Quang Huy
(Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - Bệnh viện 103)
Sức khoẻ & Đời sống