Gia tăng số ca nhập viện vì mải mê bia rượu
(Dân trí) - 2 tuần gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục trường hợp cấp cứu vì ngộ độc rượu. Theo bác sĩ rượu thông thường nếu lạm dụng cũng gây ra ngộ độc, thậm chí tử vong.
Vào thời điểm giáp Tết, gần như ngày nào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng có bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu. Chỉ trong 2 tuần gần đây, trung tâm đã tiếp nhận hàng chục trường hợp vào cấp cứu.
Có trường hợp dù đã tỉnh táo nhưng vẫn phải theo dõi di chứng. Theo người nhà, bệnh nhân lúc tỉnh lúc mơ vì uống quá nhiều rượu nhưng bỏ bữa, sau đó thì bất tỉnh.
Triệu chứng ngộ độc rượu thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, mà hầu hết bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch sau đó. Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Có những trường hợp nặng, đặc biệt là những người bị ngộ độc methanol dù may mắn được cứu sống nhưng có thể đối mặt với di chứng về thần kinh, thị giác và chi phí điều trị rất tốn kém.
Chia sẻ với báo chí trước đó, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu xịn, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia xịn thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.
Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể.
Nghiên cứu cho thấy ngay sau khi được hấp thụ vào máu, cơ thể bắt đầu tiến hành hoạt động đào thải rượu, bia ra ngoài. Một phần nhỏ được thải qua tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được chuyển hóa ở gan. Tế bào gan có hệ thống men (enzyme) có nhiệm vụ chuyển hóa cồn trong rượu thành CO2 và nước, từ đó đào thải ra ngoài cơ thể. Song gan chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định mỗi giờ.
Trong các ngày Tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan...
Uống rượu, bia thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loạn tiêu hóa do tổn thương gan và ruột đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan.
Không chỉ ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp (methanol), ngay cả rượu truyền thống ethanol, nếu như lạm dụng vẫn gây ra ngộ độc, hay gặp rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần, cá biệt có thể dẫn đến tử vong.
Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Biểu hiện nhẹ là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững… Trong khi đó, nếu bị ngộ độc nặng người bệnh sẽ có những biểu hiện như nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, rối loạn nhịp thở, suy hô hấp, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.