Ghi nhận ca Omicron cộng đồng, Hà Nội cần ứng phó như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Hà Nội đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng đầu tiên, trường hợp này là nhân viên phục vụ trong khách sạn có 13 ca nhiễm Omicron nhập cảnh đang cách ly.

Hà Nội ghi nhận ca Omicron cộng đồng: Không quá đáng ngại

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, việc Hà Nội ghi nhận ca Omicron cộng đồng là kịch bản đã được đoán trước.

Ghi nhận ca Omicron cộng đồng, Hà Nội cần ứng phó như thế nào? - 1

"Khi Việt Nam đã mở cửa với thế giới, việc Omicron tràn vào và lây lan là điều không thể tránh khỏi. Ngay tại một số nước, Omicron hiện cũng đã trở thành chủng lưu hành chủ đạo", PGS Phu thông tin.

Cũng theo chuyên gia này, không nên lo lắng quá việc Omicron có thể lây lan ra cộng đồng, bởi các nghiên cứu bước đầu chỉ ra rằng, đây là một chủng dù có khả năng lây lan nhanh nhưng triệu chứng lâm sàng nhẹ. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 ở Hà Nội rất cao, nhiều người cũng đã được tiêm bổ sung mũi 3.

Chuẩn bị tốt lực lượng điều trị

Theo PGS Phu, trong bối cảnh hiện tại, Hà Nội cần chú trọng xây dựng các biện pháp dự phòng trong trường hợp biến thể Omicron lây lan ra cộng đồng, khiến số ca bệnh tăng nhanh trong một thời gian ngắn.

"Hà Nội cần chú trọng các biện pháp dự phòng, khuyến cáo người dân thực hiện 5K, hạn chế tụ tập trong dịp Tết. Mục tiêu là không được để dịch bùng phát mạnh, vượt quá khả năng đáp ứng của lực lượng y tế", PGS Phu cho hay.

Ghi nhận ca Omicron cộng đồng, Hà Nội cần ứng phó như thế nào? - 2

Hà Nội cần có biện pháp tăng cường năng lực điều trị, đặc biệt là tuyến cơ sở (Ảnh minh họa).

Cũng theo PGS Phu, thành phố cần có phương án tăng cường năng lực điều trị, đặc biệt là trong công tác quản lý, chăm sóc các F0 điều trị tại nhà.

PGS Phu chia sẻ: "Nếu F0 điều trị tại nhà vẫn đang gặp khó khăn khi liên hệ với cán bộ y tế thì cần sớm tăng cường năng lực cho lực lượng giám sát, chăm sóc F0 điều trị tại nhà. Làm sao để có thể tiếp cận với người bệnh kịp thời để tư vấn, hướng dẫn cách theo dõi, điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc kịp thời phát hiện bệnh nhân chuyển độ để đưa đi nhập viện cũng cực kì quan trọng".

Theo ông, các F0 thường có tâm lý hoang mang, lo lắng nên việc có thể tiếp cận y tế kịp thời còn giúp giải tỏa lo lắng và vấn đề tư tưởng của bệnh nhân, giúp bệnh nhân an tâm điều trị.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Dân trí, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cũng chỉ ra 5 công cụ then chốt để ngăn ngừa việc vượt qua "ranh giới đỏ" (là khi hệ thống y tế bị quá tải) và bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương khi đối phó với Omicron:

- Tăng cường tiêm phòng vaccine Covid-19;

- Tùy chỉnh các biện pháp xã hội và y tế công cộng;

- Tăng cường các lộ trình chăm sóc sức khỏe (áp dụng điều trị tại nhà cho các trường hợp mắc bệnh nhẹ cùng với thiết lập hệ thống chuyển tuyến phù hợp);

- Sử dụng hệ thống phát hiện sớm và đáp ứng có mục tiêu;

- Các biện pháp kiểm soát biên giới quốc tế dựa trên đánh giá nguy cơ.

Các công cụ này cần được hỗ trợ bởi hoạt động truyền thông hiệu quả, giám sát (bao gồm giải trình tự gen) và truy vết tiếp xúc.

Cần kiên định với kế hoạch cho trẻ đến trường

UBND TP Hà Nội đã đồng ý trước đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh các khối từ lớp 7-12 "vùng xanh, vàng" trên địa bàn đi học trực tiếp từ ngày 8/2.

Theo PGS Phu, Hà Nội không nên để việc ghi nhận ca Omicron cộng đồng ảnh hưởng đến lộ trình cho trẻ đến trường.

Ghi nhận ca Omicron cộng đồng, Hà Nội cần ứng phó như thế nào? - 3

Theo PGS Phu, Hà Nội cần kiên định với kế hoạch cho trẻ đến trường (Ảnh minh họa).

"Không vì có trường hợp Omicron tại cộng đồng mà thay đổi đến chuyện mở lại trường học. Trẻ em tại Hà Nội đã được tiêm vaccine, bên cạnh đó trẻ khi mắc Covid-19 thường diễn biến nhẹ. Khi đi học trở lại, lớp nào xuất hiện F0 thì tiến hành khoanh vùng, xử lý gọn trong lớp đó", PGS Phu nói.

Theo chuyên gia này, không nên quá lo ngại nguy cơ lây nhiễm khi trẻ đến trường, bởi trên thực tế khi trẻ ở nhà vẫn có thể bị lây bệnh. Thậm chí, trong quá trình đi học, các biện pháp vệ sinh, giãn cách được thực hiện nghiêm ngặt còn hạn chế lây nhiễm hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, việc trẻ phải ở nhà quá lâu cũng gây ra nhiều hệ lụy. "Trẻ em không được đi học không những thiếu hụt về mặt kiến thức mà còn nhiều vấn đề khác như trầm cảm, nghiện game, chậm biết đọc, biết nói, chậm giao tiếp vì không có tương tác cô trò với nhau. Và hiện nay cũng đang có thực trạng trẻ vẫn đi học tại nhà các thầy cô giáo do không được đến trường cũng đang rất khó quản lý vấn đề an toàn dịch",  PGS Phu nhấn mạnh.