Ghép thành công tế bào sừng tự thân nuôi cấy

(Dân trí) - Nuôi cấy tế bào sừng trong môi trường không huyết thanh là một phương pháp hiệu quả, ít tốn kém so với nhiều phương pháp trong điều trị bỏng. Lần đầu tiên, Viện bỏng Quốc gia đã điều trị thành công cho một bệnh nhân nhờ ghép tế bào sừng tự thân nuôi cấy.

Thông tin này được BS Đinh Văn Hân, Viện Bỏng quốc gia báo cáo tại Hội nghị Bỏng và Phẫu thuật tạo hình toàn quốc lần thứ IX, diễn ra trong hai ngày 3 - 4/3 tại Hà Nội.

Ghép thành công tế bào sừng tự thân nuôi cấy - 1

Bệnh nhân bỏng sẽ có thêm cơ hội điều trị khi kỹ thuật mới này tiếp tục được
nghiên cứu, ứng dụng rộng vào thực tế (Ảnh:H.H)

Theo BS Hân, trong bỏng và mất da diện rộng, nguồn da ghép tự thân hạn chế thì trị liệu tế bào là một giải pháp lý tưởng. Tuy nhiên, trước đây, các tế bào biểu mô được nuôi cấy trong môi trường có huyết thanh, cần có chi phí rất cao, quy trình nuối cấy phức tạp. Vì thế, các bác sĩ Viện bỏng Quốc gia đã thử nghiệm phương pháp phân lập và nuôi cấy tế bào sừng trong môi trường không huyết thanh với mục tiêu tạo tấm tế bào sừng tự thân nuôi cấy để điều trị bỏng và vết thương lâu liền. Đây là biện pháp đơn giản, rẻ tiền hơn rất nhiều so với phương pháp nói trên.

Để có được thành công này, các bác sĩ đã tiến hành nuôi cấy trên 17 mẫu da lấy từ người tình nguyện và 7 mẫu da lấy từ bệnh nhân bỏng. BS Hân cho biết, sau khi vệ sinh vùng cho da, lấy 3 - 4cm2 da toàn lớp, da này đã được bảo quản trong môi trường huyết thanh, sau đó tiến hành tách tế bào sừng và tiến hành nuôi cấy. Kết quả cho thấy, các mẫu da tự nguyện có tỷ lệ mọc tế bào sừng ở tuần thứ 1, thứ 2 đều cao hơn bệnh nhân bỏng, với tỷ lệ lần lượt là 70,5%, 57,2%. Còn tỷ lệ cấy chuyển tế bào sừng thành công ở người tình nguyện và bệnh nhân bỏng lần lượt là 91,25%, 100%.

Trên những kết quả bước đầu, các bác sĩ đã quyết định tiến hành ghép tế bào sừng tự thân trên bệnh nhân bỏng.

Bệnh nhân được chọn là Đỗ Khương V, 22 tuổi, bị bỏng lửa xăng 56% độ 3, 4 thân chi. Sau khi được hồi sức ổn định, bệnh nhân được ghép da khoảng 50cm2. Kết quả ghép da đạt khoảng 76%, phần còn lại bệnh nhân được ghép tế bào sừng.

Ngày thứ 3 sau ghép, các tấm tế bào có độ bám rất tốt trên vết thương. Đến ngày thứ 12 sau ghép, tỷ lệ thành công khoảng 80%. Như vậy, sau 12 ngày điều trị bằng cấy ghép tế bào sừng tự thân, vết thương cơ bản đã khỏi.

TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng quốc gia cho rằng, dù chỉ mới là ca đầu tiên, nhưng thành công trên này cho thấy, phương pháp tác lọc, nuôi cấy tế bào sừng trong môi trường không huyết thanh cho kết quả tốt để tách lớp tế bào sừng. Đây là phương pháp đơn giản, ít tốn kém hơn phương pháp nuôi cấy trong môi trường có huyết thanh. Hơn nữa, phương pháp này phù hợp với các labo nghiên cứu tế bào hiện có tại Việt Nam. Vì vậy, Viện bỏng sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình nuôi cấy, mở rộng trong nghiên cứu lâm sàng để ứng dụng trong điều trị bỏng và vết thương lâu liền, đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bỏng.

TS Lượng cho biết thêm, tại Viện bỏng Quốc gia mỗi năm khám, điều trị cho khoảng gần 7.000 bệnh nhân. Ngoài sử dụng các phương pháp điều trị truyền thống, y học cổ truyền dân tộc, trong những năm qua, Viện Bỏng đã ứng dụng hơn 30 kỹ thuật tiên tiến vào điều trị bỏng như: cắt bỏ hoại tử, ghép da sớm, ghép da đồng loại, ghép da mảnh siêu nhỏ, điều trị nhiễm độc, kỹ thuật nuôi dưỡng sớm... đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bỏng.

Hồng Hải