1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ghép tế bào gốc cứu bệnh nhân ung thư máu

(Dân trí) - Cô sinh viên Nguyễn Thị Lan là bệnh nhân đầu tiên được Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư áp dụng thành công phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại điều trị cho bệnh máu ác tính.

Chẳng bao lâu sau ngày đón nhận niềm vui trở thành tân sinh viên của trường Đại học Y Hải Phòng, Nguyễn Thị Lan (21 tuổi) đã lại phải đón nhận tin dữ, cô đang mắc căn bệnh Lơxemi cấp dòng tuỷ thể M2 - loại bệnh máu ác tính. Tương lai tưởng như sụp đổ khi bản án tử hình treo lơ lửng trên đầu cô gái trẻ. Nhưng rồi thần may mắn đã mỉm cười với Lan sau những nỗ lực của cô và gia đình.

20/5/08 Lan được Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư lựa chọn là bệnh nhân đầu tiên được chữa trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại (lấy từ anh em cùng huyết thống hoặc người có cùng các chỉ số tương thích trong máu). Rất may mắn là người chị ruột của Lan cũng đã đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu về độ tương thích để có thể tiến hành ca ghép.

Trong 5 ngày, chị của Lan (nặng 41kg) được tiêm thuốc kích thích tuỷ sinh tế bào gốc. Kết quả đạt được ngoài sự mong đợi của các bác sĩ. Số lượng tế bào gốc tạo máu ở máu ngoại vi của người cho máu sau khi được gạn tách (trong 2 ngày) đã vượt trên cả số lượng cần thiết cho ghép. Toàn bộ khối tế bào gốc quý giá này đã được bảo quản ở nhiệt độ cần thiết (2 - 6 độ C).

31/5 ca truyền tế bào gốc cho bệnh nhân được tiến hành khá đơn giản, bằng cách truyền máu thông thường.

1 tháng sau đó, bệnh nhân được làm xét nghiệm tuỷ đồ kiểm tra kết quả. Kết quả rất tốt, tuỷ hoàn toàn bình thường, không tìm thấy tế bào ung thư. Các xét nghiệm định lượng nồng độ trong máu luôn đạt mức ổn định.

Hiện, Lan đã được ra viện trong tình trạng khoẻ mạnh và sẽ tiếp tục được khám lại và kiểm tra xét nghiệm định kỳ hàng tuần trong vòng ít nhất 100 ngày sau khi ghép.

Chung vui với niềm hạnh phúc được sống của bệnh nhân, TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư cho biết: "Đây là một bước tiến vượt bậc của tập thể cán bộ Viện.

Đã có nhiều nhiều ca ghép tế bào tại Việt Nam và ghép tế bào gốc tự thân, ghép tế bào gốc đồng loại điều trị cho các bệnh nhân máu ác tính đã được thực hiện thành công tại TP.HCM, Huế, BV Nhi T.Ư và Viện Quân y 108.... "Tuy nhiên, đây là trường hợp ghép tế bào đồng loại đầu tiên được Viện tiến hành với một số điểm khác biệt cơ bản: Sử dụng phác đồ giảm liều hoá chất giúp giảm thiểu nguy cơ suy tuỷ kéo dài, giảm nguy cơ tử vong do các biến chứng nhiễm trùng và xuất huyết; nguồn tế bào gốc tạo máu gạn tách từ máu ngoại vi vẫn đảm bảo về số lượng tế bào gốc cần thiết không gây nhiều mệt mỏi đối với người cho so với phương pháp hút tuỷ xương trước kia”, TS Trí phấn khởi nói.

Ngoài việc giảm thiểu nguy hiểm và đau đớn đối với người cho tế bào gốc. Phương pháp ghép tế bào gốc mới này cũng không đòi hỏi các thiết bị y tế hỗ trợ và bảo quản đắt tiền nhưng phương pháp hút tuỷ xương.

Chính vì vậy, kinh phí cho một ca ghép tế bào kiểu mới này đã ở mức có thể chấp nhận được đối với bệnh nhân Việt Nam, (khoảng 300 triệu đồng tương đương với khoảng 18 nghìn USD). Hiện nay, phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại khoảng 500 trung tâm của trên 50 quốc gia. Được biết sau Nguyễn Thị Lan - là bệnh nhân đầu tiên được điều trị miễn phí, sẽ có bệnh nhân thứ hai được tiếp nhận may mắn này, đó là trường hợp của bệnh nhân Lê Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1984 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây).

Trong tương lai gần (5/09), phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại sẽ được Viện Huyết học sử dụng trong điều trị thường quy đối với bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính.

P. Thanh

Dòng sự kiện: Ung thư máu