Gặp họa khi làm đẹp vì tin lời đồn thổi
Với mong muốn trở nên xinh đẹp, tự tin, hạnh phúc hơn, nhiều chị em đã thực hiện các thủ thuật nhằm “nâng cấp” nhan sắc. Nhưng xinh đẹp chưa thấy thì tai họa đã ập đến do chị em lựa chọn làm đẹp tại các cơ sở không tin cậy.
Cắt mí… rơi kim vào mắt
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Mắt T.Ư đã phải vất vả “mò kim… đáy mắt” cho bệnh nhân Vũ Thị L (24 tuổi), bị một cây kim rơi vào mắt khi chị này đi cắt mí mắt tại một cơ sở thẩm mỹ.
Lúc đầu, khoa Chấn thương đã thực hiện phẫu thuật ngay để tìm cây kim nhưng không được. Kết quả chụp phim X- quang phải quan sát kỹ mới thấy được lờ mờ cây kim dài khoảng 5mm, đường kính khoảng 0,2 mm, to bằng chiếc lông mi, nằm ở 1/3 trên ngoài hốc mắt, song song với cùng đồ kết mạc. Theo các bác sĩ do kim thường dẻo, trơn, di động tốt có thể làm sát thương cho nhãn cầu.
Các bác sĩ tiến hành cấp cứu, mở lại đường mổ cũ, máu đã khô, thám sát bằng mắt vẫn không thấy kim đâu. Để tìm kim, kíp phẫu thuật phải miết khẽ ở bờ trên sụn và túi cùng kết mạc mi trên thấy hơn lợn gợn. Sau một hồi mò mẫm như thể “mò kim đáy bể”, kíp mổ mừng rỡ khi tìm thấy kim và lấy ra khỏi mắt bệnh nhân an toàn.
“Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi “mò kim” trong mắt các bệnh nhân sau khi họ phẫu thuật làm đẹp, khâu nhấn mi mắt. Tôi đếm ít nhất đã 4 lần trong thời gian gần đây, tôi làm công việc này” – bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt T.Ư) nói.
"Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng mọi người đều phải thận trọng, lựa chọn các dịch vụ phù hợp, tại cơ sở uy tín, được cấp phép. Bác sĩ phẫu thuật phải là người được đào tạo, có chứng chỉ, văn bằng hợp pháp...”.
Bác sĩ Hoàng Cương
Theo bác sĩ Cương, bác sĩ đã nhiều lần phẫu thuật để tìm kiếm các dị vật trong mắt bệnh nhân do các tai nạn như nổ mìn, bị đạn hoa cải bắn… Tuy nhiên, phẫu thuật “tìm kim” rất khó khăn do kim nhỏ, khó nhìn, lại dễ chui vào các hốc sâu của mắt. Bệnh nhân đau đớn, còn các bác sĩ cũng mệt nhoài.
Gần đây, nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện do làm đẹp. Trước đó, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân bị sốc phản vệ do tiêm thuốc làm trắng da. Bệnh nhân là chị Nguyễn Thị H (29 tuổi, trú tại Hà Nội). Chị H nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn liên tục, nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, huyết áp tụt. Chẩn đoán chị H bị sốc phản vệ, các bác sĩ đã nhanh chóng tiêm cấp cứu sốc phản vệ. May mắn, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Bệnh nhân H cho biết, trước đó, chị đã được tiêm truyền một số loại thuốc làm trắng da tại thẩm mỹ viện chị thường đến chăm sóc sắc đẹp. Đến đêm về, chị bị rét run vì lạnh, nôn liên tục, sau đó khó thở, gia đình đã đưa chị đi cấp cứu.
Đừng chỉ tin vào quảng cáo
Bệnh viện Trưng Vương (TP.Hồ Chí Minh) cũng đã tiếp nhận nhiều ca hỏng mũi, loét má sau khi bệnh nhân đi phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở y tế không tin cậy. Có cô mũi sưng tấy, đỏ ửng, lòi cả thanh nhựa ra ngoài do nâng mũi ở cửa hàng cắt tóc gội đầu mà người phẫu thuật là… thợ cắt tóc. Lại có cô gái sưng tấy má, tạo thành ổ áp xe bên trong vì đi cắt núm đồng tiền tại một spa nhỏ. Sau khi bị sưng tấy, bệnh nhân đi hỏi thăm mới biết, người cắt má lúm cho cô mới học hết lớp 5.
Theo bác sĩ Dương Vương Trung - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bưu điện), các trường hợp bị sốc phản vệ do tiêm truyền với mục đích làm đẹp không hiếm gặp.
Bác sĩ Trung khuyến cáo, chị em đừng chỉ tin vào lời quảng cáo, đồn thổi về các cơ sở thẩm mỹ mà phải lựa chọn, cân nhắc cho kỹ. Khi cần “đụng dao kéo”, chị em nên đến các cơ sở y tế vì chỉ bệnh viện mới được cấp phép thực hiện phẫu thuật. Nếu đến các cơ sở không được cấp phép, chị em dễ gặp rủi ro về sức khỏe, hình thức khi phẫu thuật sai lệch, nhiễm trùng, thẩm mỹ chẳng đẹp lại thành xấu. Nếu chẳng may bị sốc phản vệ khi tiêm thuốc, phẫu thuật, các cơ sở này cũng thiếu trang thiết bị, thuốc, kỹ năng để tiến hành cấp cứu chống sốc, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ khuyến cáo, sau khi làm đẹp, thấy cơ thể khác lạ, sốt cao, vết thương bị sưng tấy, đau đớn, chảy dịch thì cần đi đến các cơ sơ y tế tin cậy để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Theo Diệu Linh
Dân Việt