Gánh nặng bệnh tật chỉ vì "cứ khách đến là uống rượu"
(Dân trí) - Nhiều người dân tại vùng cao mắc bệnh huyết áp, gan, dạ dày do thói quen lạm dụng rượu.
Trước giờ lên rẫy buổi sáng, Mẩu (tên nhân vật đã được thay đổi), người dân tộc Tày, sống tại xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang phải uống một cốc rượu lớn như một "thủ tục".
"Không uống rượu thì buồn nôn, chân tay run không làm việc được", Mẩu chia sẻ.
Lạm dụng rượu nên chỉ mới 35 tuổi, trông Mẩu không khác gì người đàn ông trung niên. Người gầy rộc, nước da sạm đi và cử chỉ cũng không còn linh hoạt.
Chia sẻ với PV Dân trí về thói quen uống rượu ở bản mình, Ông Lử (tên nhân vật đã được thay đổi), cho biết qua tuyên truyền của chính quyền địa phương, bản thân ông và nhiều người dân trong bản đã cố gắng bỏ rượu.
Thế nhưng theo ông Lử, dù đã cai được việc tự uống rượu nhưng khách đến nhà thì lại phải uống. Mỗi lần uống cũng phải 1 lít/người, ít thì nửa lít.
"Gần như ngày nào cũng có khách", ông Lử cười trừ.
Theo ông Hoàng Ngọc Duy - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Nguyên, tổng dân số trên địa bàn xã Quảng Nguyên là 1.108 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu. Đa số bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số như: người Nùng, Dao, Mông, Tày...
Lãnh đạo xã Quảng Nguyên cũng nhận định, nhiều bà con có thói quen lạm dụng rượu.
Theo chia sẻ của các giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Quảng Nguyên, trong những chuyến về tận nhà người dân để vận động cho trẻ đến trường, không ít lần các thầy, cô giáo phải uống rượu cùng gia chủ đến "ngà ngà say", mới có thể xem là "hoàn tất thủ tục", để bắt đầu mở lời thuyết phục phụ huynh cho trẻ đến trường.
Thói quen lạm dụng rượu khiến nhiều bà con vùng cao phải đối mặt với các bệnh lý liên quan dạ dày, huyết áp.
Đây là nhận định của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sau quá trình phối hợp với Công đoàn - Đoàn thanh niên Báo Dân trí thực hiện chương trình khám bệnh và cấp thuốc miễn phí tại xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang vừa qua.
Theo BS Nguyễn Văn Hùng - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, quá trình thăm khám cho bà con trong chương trình nhân ái này ghi nhận 60 - 70% trường hợp bị huyết áp cao.
"Nhiều người huyết áp cao ở mức 150/100mmHg - 160/100mmHg. Cá biệt có trường hợp tại thời điểm đo có huyết áp tâm trương lên đến 190mmHg, rất đáng báo động", BS Hùng cho hay.
Qua khai thác tiền sử, nhiều người dân đến khám cho biết có thói quen uống rượu, bất kể độ tuổi. Không ít nam giới cho biết trung bình uống 1 lít rượu mỗi ngày; với phụ nữ, có không ít người mỗi ngày uống trung bình 0,5 lít rượu.
Một vấn đề khác là có nhiều người dân đã được chẩn đoán cao huyết áp trước đó nhưng không tuân thủ điều trị một cách nghiêm ngặt. Thường xuyên quên uống thuốc và thậm chí là bỏ thuốc.
"Huyết áp cao gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe nếu không được kiểm soát và điều trị đúng cách. Một trong những biến chứng nguy hiểm của cao huyết áp là bệnh tim và tai biến mạch máu não", BS Hùng cho hay.
Bên cạnh cao huyết áp, qua chương trình khám bệnh ghi nhận nhiều người dân gặp các vấn đề về dạ dày, điển hình là viêm loét dạ dày, mà thủ phạm chính được chẩn đoán là do rượu.
Bên cạnh đó nhiều người dân cũng gặp các vấn đề về xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp. Lao động chân tay, khuân vác nặng, địa hình đồi núi khiến việc đi lại khó khăn, được các bác sĩ nhận định là nguyên nhân chính của tình trạng này.
"Để có thể đến các cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Đa khoa Nà Trì, bà con ở xã phải đi hơn 20km đường đèo rất hiểm trở. Do đó, bà con đặc biệt là những hộ ở các bản xa rất ít có điều kiện tiếp cận y tế", Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nguyên cho biết.
"Vì vậy, chương trình khám bệnh và cấp thuốc miễn phí do Công đoàn - Đoàn thanh niên Báo Dân trí phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tổ chức có ý nghĩa rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn xã", ông Hoàng Ngọc Duy nói.
Các bác sĩ đã khám bệnh, tư vấn người dân về chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 150 bà con có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng theo các bác sĩ, điều quan trọng nhất là người dân cần duy trì một lối sống lành mạnh, bỏ các thói quen xấu như lạm dụng rượu và tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và điều trị theo chỉ định của bác sĩ với các bệnh lý hiện có.