Gần 50% người trưởng thành sống tại thành thị bị mỡ máu cao

Thảo Trinh

(Dân trí) - Theo thống kê của Tổng hội Y học, tại Việt Nam có đến gần 50% người trưởng thành sống tại thành thị bị mỡ máu cao, chủ yếu do chế độ dinh dưỡng và vận động không hợp lý.

Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chia sẻ tại buổi hội thảo "Báo động thực trạng thừa cholesterol: Hệ lụy và giải pháp" diễn ra ngày 25/8 tại Hà Nội.

Bà Xuyên nhấn mạnh: "Theo thống kê về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu vào năm 2019, rối loạn lipid máu, thường được biết tới với tên gọi mỡ máu cao gây ra gần 4.4 triệu ca tử vong, tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu và được xác định là một trong các yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh mạn tính không lây.

Nhưng đáng lo ngại hơn, tại Việt Nam, theo thống kê, có đến gần 50% người trưởng thành sống tại thành thị bị mỡ máu cao. Trong đó, thừa cholesterol do chế độ dinh dưỡng và vận động không hợp lý là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này".

Gần 50% người trưởng thành sống tại thành thị bị mỡ máu cao - 1
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam - phát biểu tại hội thảo.

Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội cho biết, việc tăng cholesterol máu gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. Cụ thể, mỡ máu cao là một yếu tố làm xơ vữa, cứng, hẹp, tắc nghẽn động mạch xơ vữa, cứng, hẹp, tắc nghẽn động mạch não, mạch vành tim, dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh tim, đột quỵ.

"Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người mỡ máu cao (chiếm tỉ lệ 39%) và có hơn 50% phụ nữ 50-65 tuổi bị thừa cholesterol máu. Hiện nay cộng đồng vẫn chưa được trang bị kiến thức đúng đắn về vấn đề này, trong khi tình trạng này có thể dự phòng và kiểm soát được thông qua chế độ dinh dưỡng và vận động.

Việc lạm dụng các thực phẩm chiên rán kỹ, bánh ngọt, bánh quy, bánh rán, bơ thực vật, thịt và sản phẩm từ sữa… là nguyên nhân gây ra thừa cholesterol, mỡ máu cao", ông Dũng nói.

Liên quan đến vấn đề này, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam bày tỏ, quan điểm sai lầm của người Việt cho rằng để giảm cholesterol, ngừa mỡ máu cao thì cần loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn.

Đây là quan niệm không đúng vì chất béo là một nhóm chất thiết yếu mà cơ thể cần bổ sung mỗi ngày với hàm lượng hợp lý. Nhiều chế độ ăn tốt cho sức khỏe trên thế giới cũng nhấn mạnh đến việc không cần thiết phải kiêng sử dụng chất béo hoàn toàn.

Theo TS. Trương Hồng Sơn, thay vì loại bỏ, chúng ta cần chọn lọc nguồn chất béo có lợi cho sức khỏe để nạp vào cơ thể. Cụ thể, nên hạn chế sử dụng nguồn chất béo từ phủ tạng động vật, mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp... Thay vào đó, cần tăng cường bổ sung nguồn chất béo có lợi, được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như: Cá hồi, cá trích, trong quả bơ, ô liu, trong các loại dầu thực vật như: dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương... 

Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tỉ lệ thừa cholesterol trên toàn quốc hiện nay không giảm mà còn tăng cao.

"Chúng ta cần truyền thông thêm để người dân biết được nguy cơ, biện pháp phòng tránh để cải thiện tình trạng mỡ máu gia tăng như hiện nay. Ngoài chế độ dinh dưỡng, chúng ta cần hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia và cần tăng cường vận động, có thể vận động 30 phút/ngày, nên thực hiện 5 ngày/tuần, tránh thừa cân béo phì dẫn đến nguy cơ mỡ máu cao", bà Lâm nói.