TPHCM:
Gần 24 nghìn người đăng ký hiến xác cho khoa học
(Dân trí) - Trong lúc quan niệm “chết toàn thây” còn ăn sâu trong cộng đồng thì nhiều người Việt Nam đã hướng theo tư tưởng hiện thực, quyết định hiến xác mình, phục vụ cho sự phát triển y học nước nhà. Thi hài họ là những người thầy im lặng của sinh viên ngành y.
Buổi lễ Macchabée - tri ân những người hiến xác chiều 4/2 tại Đại học Y Dược thành phố diễn ra trong không khí trầm lắng nhưng trang nghiêm và đầy cảm xúc. Thi hài của những người quá cố được phủ những lớp vải trắng, khói nhang nghi ngút và những cái chắp tay, cúi lạy thành kính thay cho lời cảm ơn của thầy cô và toàn thể sinh viên chuyên ngành Giải phẫu.
Đây đã được xem là một hoạt động thường niên trước thềm năm mới để tri ân những người thầy im lặng. Linh hồn họ dù đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng thể xác hiện hữu còn tồn tại ở trần gian được xem như những báu vật, đang âm thầm cống hiến cho công tác day học và nghiên cứu. Xã hội phương đông với nhiều quan điểm duy tâm còn ăn sâu trong ý thức của cộng đồng thì không phải ai cũng đủ dũng cảm để vượt qua mọi rào cản, thực hiện quyết định cao cả mang tính nhân bản “hiến xác cho khoa học” từ khi còn sống.
Theo GS.TS Lê Văn Cường, Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu học Đại học Y Dược, hoạt động hiến xác cho khoa học đã được kêu gọi từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Phải đến năm 1993 chúng tôi mới nhận được lá đơn tự nguyện hiến thi hài đầu tiên. Với những nỗ lực tuyên truyền vận động, nhiều người theo quan điểm hiện đại đã không ngần ngại đăng ký hiến xác mình sau khi quá cố. Đến nay, nhà trường đã tiếp nhận được đơn tình nguyện đăng ký hiến xác của 23.850 người thuộc đủ các tầng lớn trong xã hội.
Cũng theo GS Cường vào năm 1996, bộ môn Giải phẫu học đã nhận được thi hài đầu tiên, đến cuối năm 2014 tổng số thi hài nhận được đã tăng lên 642. Nhờ có những thi hài ấy, nhà trường đã có đủ những yếu tố cần thiết nhất phục vụ cho giảng dạy, học tập phát triển y học phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Vân Sơn