Gần 15 tỉ đồng dành đào tạo nhân lực lĩnh vực tim mạch

(Dân trí) - Theo thỏa thuận, dưới sự hỗ trợ của JICA, Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng để tăng chất lượng điều trị cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp tại Việt Nam.

Sáng 15/12 tại BV Nhi Trung ương đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ của “Dự án Hỗ trợ kỹ thuật y tế cho điều trị các bệnh tim mạch tại Việt Nam”.

Có mặt tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Việt Nam.

Tại Việt Nam uớc tính mỗi năm có khoảng 13.000 trẻ sơ sinh bị mắc bệnh tim bẩm sinh cần được chữa trị. Trong đó, nhiều trẻ mắc các bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp cần các kỹ thuật điều trị cao, tiên tiến.

Các bác sĩ thực hiện một ca mổ tim chuyển gốc động mạnh chủ tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: H.Hải
Các bác sĩ thực hiện một ca mổ tim chuyển gốc động mạnh chủ tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, số bệnh nhi sơ sinh đến viện nhi trung ương khám mỗi năm khoảng 6.000 bệnh nhân, trong đó có khoảng 12% trẻ mắc tim bẩm sinh. Đáng nói, trong nhóm bệnh nhi sơ sinh mắc tim bẩm sinh thì có đến quá nửa mắc các thể tim bẩm sinh phức tạp đòi hỏi mổ sớm, chẩn đoán sớm, phẫu thuật sớm.

TS Hải cho biết thêm, trong 10 năm trở lại đây, BV Nhi Trung ương tập trung nhiều phẫu thuật tim bẩm sinh và hiện có thể tiếp cận chẩn đoán, điều trị, phẫu thuật nhiều hình thái tim bẩm sinh phức tạp. Tuy nhiên so với nhu cầu điều trị thực tế, khả năng đáp ứng của bệnh viện còn xa vời. Đặc biệt với nhiều ca bệnh khó đòi hỏi kỹ thuật cao trong điều trị.

Với dự án này, phía Nhật Bản sẽ tiến hành đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là các kỹ thuật viên hàng đầu Việt Nam, các thầy thuốc giỏi, điều dưỡng và kỹ thuật viên cho Dự án. Theo đó sẽ thiết lập được hệ thống y tế có khả năng tiếp nhận những công nghệ y tế tiên tiến từ Nhật Bản nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho các trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp tại Việt Nam.

Trong giai đoạn từ 2015 – 2019, các cán bộ y tế BV Nhi Trung ương sẽ được đào tạo ngắn hạn (từ 1 – 3 tháng) hoặc dài hạn (1 – 2 năm) tùy theo điều kiện thực tiễn và khả năng ngôn ngữ của học viên tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản cũng sẽ đào tạo và hướng dẫn kỹ năng lâm sàng tại BV Nhi Trung ương từ 2 – 3 lần/năm.

Hồng Hải