Tấm phim X-quang trắng xóa và những đêm ho muốn "nổ phổi" vì Covid-19
(Dân trí) - 9h tối, bác sĩ tức tốc vào phòng bệnh và thông báo với ông tin dữ: "Tình trạng của chú đang rất xấu, phải chuẩn bị tinh thần vì phổi qua phim chụp trắng xóa".
"Bây giờ tôi còn khỏe hơn xưa. Cách đây vài ngày vừa xung phong đi đón mấy cậu bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh về", ông N.V.H., 58 tuổi, sống tại Sơn Động, Bắc Giang, khoe với chúng tôi qua màn hình điện thoại với giọng đầy phấn khởi.
Nhìn người đàn ông trung niên này ở thời điểm hiện tại, ít ai có thể ngờ rằng, chỉ gần một năm trước, ông H. từng phải duy trì sự sống bằng hàng loạt các loại máy móc y tế tối tân, khi gần như bị "hạ gục" bởi Covid-19. Thời điểm đó, nhiều người dân trên cả nước còn biết đến ông qua danh xưng đặc biệt: "BN793" hay "Ca Covid-19 nặng nhất miền Bắc", trên những dòng tin cập nhật về tình hình dịch bệnh.
Chuyến đi "lành ít dữ nhiều"
Ôn lại lần chạm trán Covid-19, với ông H., đó là một chuyến hành trình rất dài với hàng loạt thử thách.
"6h tối, lực lượng y tế ở địa phương xuống nhà tôi lấy mẫu xét nghiệm ngay ở cửa thì 3h sáng hôm sau họ đã điện lại bảo rằng vài tiếng nữa sẽ lên đường. Thời điểm đó, vợ và con trai tôi mới bắt đầu sốt nhẹ, còn tôi hoàn toàn không bị gì. Cứ nghĩ lên cách ly xong thì sẽ về ai ngờ chuyến đi đó lành ít dữ nhiều", ông H. mở đầu câu chuyện.
Được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 5/8/2020 thì đến ngày 8/8, ông H. mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu và sốt nhẹ, nhưng diễn biến sau đó nhanh đến mức chính các y bác sĩ cũng phải bất ngờ.
Sau khi bị sốt một ngày, ông H. được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển phòng. Thời điểm này, ông cũng dần cảm nhận rõ hơn sức tàn phá của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể mình, khi các triệu chứng lạ dần xuất hiện.
Ông kể: "Chuyển phòng được hơn một ngày, tôi cảm thấy mỏi nhừ khắp người. Thử bóp tay rồi đi lại quanh hành lang nhưng vẫn không đỡ. Tiếp sau đó, tôi lại bị hành hạ bởi những cơn ho. Mỗi lần ho phải lấy tay giữ ở ngực và cảm thấy rất khó chịu. Rồi có một tối, bác sĩ đến gặp tôi và bảo: "Tình trạng của chú đang rất xấu, phải chuẩn bị tinh thần vì phổi qua phim chụp trắng xóa"".
Ngay sau cuộc gặp đó, ông được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực. Có dấu hiệu suy hô hấp nên bệnh nhân này được hỗ trợ thở oxy mask. Dẫu vậy, trong giai đoạn này, ông vẫn là trường hợp có tình trạng khả quan nhất trong số 3 ca bệnh nặng của miền Bắc, mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận.
Ấn tượng rõ nhất trong những ngày đầu ở nơi chuyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch này của ông H. là cảnh các y bác sĩ liên tục giám sát tình trạng sức khỏe và lấy mẫu máu xét nghiệm ở chân tay. Đó cũng là tất cả những gì người đàn ông này nhớ được trước khi rơi vào hôn mê, cũng là lúc cuộc chiến ác liệt nhất với Covid-19 chính thức bắt đầu.
Trên lằn ranh sinh tử
Theo BS Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, 3 ngày đầu tiên bệnh nhân H. rơi vào hôn mê cũng là giai đoạn căng thẳng nhất.
Tình trạng phổi cực kì xấu, có lúc tổn thương lên đến 90%; bội nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc; đáp ứng điều trị kém là những "chỉ báo" cực kì xấu về tiên lượng của ông H. lúc này.
"Chúng tôi gần như phải liên tục đứng cạnh giường bệnh để điều chỉnh từng con số trên máy ECMO, dựa trên diễn biến của bệnh nhân. Có những thời điểm mọi hỗ trợ về ECMO và thở máy đều được thực hiện ở công suất tối đa. Các y bác sĩ thậm chí đã nghĩ đến tình huống xấu nhất", BS Phúc thuật lại.
Tín hiệu tích cực chỉ lóe lên ở ngày thứ 4 bệnh nhân này chạy ECMO. Các tổn thương phổi dần được cải thiện, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát.
Tỉnh dậy sau "giấc ngủ dài", người đàn ông này nửa tỉnh nửa mơ nhận ra trên người gắn đầy những đường ống, dây dợ, xung quanh là khung cảnh lạ lẫm với những bóng áo xanh, áo trắng liên tục qua lại, còn bên tai văng vẳng những tiếng trao đổi công việc và tín hiệu của máy móc.
3 ngày sau, khi tình trạng tiến triển hơn hẳn, một bác sĩ đến hỏi thăm ông:
- Chú biết đang ở đâu không?
- Tôi chỉ nhớ lúc đầu mình vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, còn giờ không biết ở đâu cả.
- Chú vẫn ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhưng đây là khu vực chăm sóc đặc biệt. Chú đã hôn mê 8 ngày rồi đấy.
"Nghe bác sĩ bảo tôi rất kinh ngạc khi biết mình hôn mê lâu và bị nặng đến như vậy. Lúc đó cảm thấy việc mình có thể tỉnh lại và nói chuyện cũng giống như được sinh ra lần thứ 2", ông H. xúc động chia sẻ.
Sau khi vượt qua được giai đoạn nguy kịch này, ông H. cùng các bác sĩ vẫn còn một chặng đường dài để hồi phục hoàn toàn thể trạng.
Ông tiếp tục mạch chuyện: "Một hôm bác sĩ bảo: "Ngày mai bắt đầu tập đi chú nhé!". Tôi nằm trên giường nghĩ thầm đi lại thì bình thường thôi có gì mà phải tập. Ai ngờ khi chỉ đi được mấy bước đã thở không ra hơi, các bác sĩ lại phải đưa lên xe đẩy vào trong giường".
Lại có những ngày đờm dãi về nhiều, ông ho cả ngày lẫn đêm, cảm giác như muốn nổ phổi. Đến khi ngủ phải kê một chiếc bàn con để nằm sấp lên đó nhưng vẫn không đỡ là bao. Do vậy, có hôm đến 12h đêm các y bác sĩ vẫn phải vỗ rung để ông long đờm, dễ chịu hơn.
Chuyện ăn uống lại càng nan giải hơn, khi ông bị Covid-19 làm thay đổi vị giác. "Không hiểu sao khi mắc Covid-19, tôi ăn cơm dù ngon đến đâu cũng nếm ra vị như bọ xít, chỉ nuốt được cháo. Sau cơn bệnh tôi sụt đến 13 kg", ông nhớ lại.
"Ở quê 10 người thì 9 người bảo tôi không qua khỏi"
"Hồi đó nghe tin của tôi trên báo đài, ở quê 10 người thì 9 người bảo tôi không qua khỏi. Anh em họ hàng cũng tính đến chuyện làm đám ma cho tôi. Ấy vậy mà mọi chuyện rồi cũng ổn", ông H. cười.
Minh chứng cho sự hồi phục thần kì của mình, ông khoe rằng, ngày vừa ra viện về đến nhà, chỉ đi bộ mươi mét từ sân vào phòng khách cũng gần đứt hơi, nhưng nhờ bồi bổ và tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, chỉ 3 tháng sau đã hoàn toàn trở lại như trước khi bị bệnh.
"Giờ tôi thậm chí còn khỏe hơn xưa. Trước đây lái xe lên thành phố Bắc Giang đã mệt và buồn ngủ, nhưng giờ có thể chạy đến Thanh Hóa mà không việc gì", người đàn ông từng thập tử nhất sinh tự hào kể về chiến tích của mình.