TPHCM:
F0 học sinh tăng: Chuyên gia đề nghị thí điểm "xét nghiệm và giữ lại lớp"
(Dân trí) - Chuyên gia đề nghị các trường học mạnh dạn xin thí điểm chiến lược "test-to-stay" (TTS), trong bối cảnh số học sinh mắc Covid-19 liên tục tăng khi TPHCM cho trẻ đi học trực tiếp trở lại.
Tại họp báo thông tin tình hình dịch bệnh mới đây, đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, sau khi học sinh toàn địa bàn bắt đầu học trực tiếp trở lại, số ca mắc Covid-19 là học sinh có xu hướng tăng. Cụ thể, từ ngày 14/2 đến ngày 16/2, TPHCM ghi nhận lần lượt là 27, 50 và 86 học sinh nhiễm Covid-19 trong ngày. Các ngày sau đó, thành phố dự báo ca mắc sẽ tiếp tục tăng.
Với quy định hiện nay, khi phát hiện F0 tại lớp học, các học sinh chưa tiêm vaccine sẽ được theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày mới đến trường.
Tăng F0 học sinh nhưng đối tượng nguy cơ vẫn được bảo vệ tốt
Trao đổi với PV Dân trí, BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, TPHCM đã bắt đầu "bình thường mới" từ tháng 10/2021 và đến nay gần như đã mở cửa tất cả các lĩnh vực. Việc giao lưu nhiều sẽ dẫn đến số ca tăng lên, bao gồm cả đối tượng trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cũng có thể sau khi đi học, phụ huynh mới chủ động làm xét nghiệm cho con và thông báo kết quả cho trường để thống kê.
Với tình hình hiện tại, BS Khanh nhận định, không cần quá bận tâm đến con số gia tăng ca nhiễm ở TPHCM nói chung và nhóm học sinh nói riêng. Quan trọng là số ca nhập viện gần như rất ít, kể cả người lớn lẫn trẻ em. Số ca tử vong cũng giảm sâu, chứng tỏ dù tăng ca nhiễm nhưng Covid-19 đã không còn tấn công được nhiều vào đối tượng nguy cơ. Chuyên gia cho rằng, việc cần phải làm lúc nào là tiếp tục bảo vệ nhóm nguy cơ, rà soát các trường hợp đã tiêm 2 mũi, bắt đầu chích mũi 3 như thế nào, người dân có đồng thuận hay không.
"Cố gắng chích mũi 3, mũi bổ sung cho tất cả mọi người, nhất là đối tượng nguy cơ sớm nhất. Thông báo với họ nếu có nhiễm hãy trình báo sớm để được cung cấp ngay thuốc kháng virus. Làm được vậy thì chúng ta dần dần sẽ có miễn dịch cộng đồng đủ và an toàn" - BS Khanh nói và trấn an người dân TPHCM không nên quá lo lắng với các con số thông báo ca nhiễm.
BS Khanh lưu ý thêm, trường hợp trẻ là F0 có các triệu chứng bệnh nặng như li bì quá mức, khó thở, thở nhanh, co giật, tím tái… phụ huynh mới cần đưa con em đến bệnh viện để kiểm tra và can thiệp xử lý.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cũng cho rằng, việc gia tăng học sinh nhiễm Covid-19 những ngày gần đây không đáng ngại. Ông lý giải, phát hiện F0 trong trường không hoàn toàn do trẻ mắc bệnh vì tiếp xúc với nhau, mà còn vì 2 lý do khác.
Thứ nhất, có thể trẻ đã nhiễm tại nhà nhưng không xét nghiệm, khi vào trường học được test theo quy định và phát hiện. Thứ hai, do số mắc từ người lớn tăng lên, vì trong dịp Tết có sự giao lưu di chuyển tiếp xúc rất nhiều. Khi người lớn mắc bệnh tăng, lây cho trẻ sẽ kéo theo số F0 trẻ em cũng sẽ tăng. Điều này dễ hiểu và có thể dự báo được.
Trường học cần mạnh dạn thí điểm "test-to-stay"
PGS Đỗ Văn Dũng chia sẻ, tại Mỹ, dù là quốc gia chưa xem Covid-19 là bệnh bình thường nhưng từ ngày 17/12, nước này đã có phương án để giúp các em học sinh lớp nhỏ chưa được tiêm vaccine có thể tiếp tục đi học mà không phải cách ly, dù là tiếp xúc gần. Đó là chiến lược test-to-stay (TTS - tạm dịch là xét nghiệm và giữ lại lớp).
Với những em học sinh đã tiêm vaccine rồi, nếu trong diện F1 sẽ không cần cách ly lẫn xét nghiệm, nếu không có triệu chứng. Điều này sẽ giúp giảm chi phí xét nghiệm và giảm sự lo lắng cho gia đình của trẻ.
PGS Dũng phân tích, trong một lớp học, khi một người bị nhiễm cũng không phải tất cả các trường hợp chung lớp còn lại đều là F1, mà phải là đối tượng tiếp xúc gần trong khoảng cách một mét.
Đã có trường học ở Mỹ thống kê, khi phát hiện 200 F0 thì tìm ra khoảng 1.600 học sinh F1, tương đương tỉ lệ mỗi F0 sẽ có 8 F1. 1.600 trẻ trên được giữ lại theo dõi ở trường và chỉ phát hiện thêm 15 F0 sau thời gian ủ bệnh, tức tỉ lệ chỉ trên dưới 1%.
Sau đó, 15 F0 này được cho về nhà theo dõi, sinh hoạt thì phát hiện lây cho 9 trường hợp khác tại nhà, không lây cho bạn học. Điều này chứng tỏ, nguy cơ lây lan giữa các trẻ trong trường không cao mà chủ yếu là lây tại gia đình.
Tại Việt Nam, việc lây lan trong cộng đồng và gia đình đã khá cao. PGS Dũng đề nghị các trường học ở Việt Nam mạnh dạn xin thí điểm theo dõi F1 tại trường, với quy trình xét nghiệm lại sau 3 ngày và thông tin kết quả công khai. Điều này nhằm giúp trẻ không bị gián đoạn việc học trực tiếp, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và tâm lý. Nếu chứng minh được việc giữ F1 ở lại trường không tăng nguy cơ lây nhiễm, cũng giúp phụ huynh an tâm hơn khi quyết định cho con đi học lại.
Ngoài ra, 5K vẫn là một biện pháp hữu hiệu để chống dịch. "Quan trọng nhất vẫn là kiểm soát được con số nhiễm như hiện tại, đừng để tăng lên quá cao" - PGS Dũng nói.