TPHCM:

Em bé vừa sinh đã bị khối u nặng 1/3 cơ thể làm vẹo cổ, tắc ruột nguy kịch

Hoàng Lê

(Dân trí) - Chỉ trong 4 tháng từ lúc chào đời, bé trai phải chịu đựng 3 cuộc mổ vì khối u bẩm sinh nặng gần 1/3 cơ thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đó là trường hợp của con trai chị T. (32 tuổi, ngụ TPHCM). Theo lời người mẹ, trước đó chị kiểm tra thai định kỳ ở một phòng khám tại TPHCM thì không ghi nhận bất thường. Đến khi thai được 31 tuổi, người phụ nữ vào bệnh viện khám, siêu âm và chụp MRI thai mới phát hiện khối bướu kích thước 6x6cm ở vùng cổ thai nhi, có nguy cơ chèn ép lồng ngực.

Khi thai 37 tuần tuổi, các bác sĩ khoa Sản - Sơ Sinh - Ngoại Nhi hội chẩn lại thì phát hiện khối u phát triển lớn, khả năng trẻ sẽ suy hô hấp sau sinh, cần sinh mổ chủ động.

Em bé vừa sinh đã bị khối u nặng 1/3 cơ thể làm vẹo cổ, tắc ruột nguy kịch - 1

Bé trai vừa chào đời đã mang khối bướu rất lớn ở vùng cổ (Ảnh: BV).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Lê Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Sơ sinh cho biết, cuối tháng 12/2023, bé trai chào đời với cân nặng 3,4kg. Trong đó, riêng khối bướu đã nặng 1kg (chiếm gần 1/3 cơ thể), tương đương đầu trẻ sơ sinh và kéo vẹo cổ em bé qua một bên.

Nguy hiểm hơn, bé vừa có bướu lớn chèn ép vùng cổ ngực gây suy hô hấp, vừa kèm tắc ruột phải mổ cấp cứu giải quyết lưu thông đường tiêu hóa. Đây là trường hợp rất hiếm gặp.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi cho biết, dị tật tắc ruột bẩm sinh do các nút phân su bít kín lòng ruột, khiến em bé không thể đi tiêu. Bệnh nhi được mở hậu môn tạm trên bụng, bơm rửa đoạn ruột bị bít kín.

Em bé vừa sinh đã bị khối u nặng 1/3 cơ thể làm vẹo cổ, tắc ruột nguy kịch - 2

Trong 4 tháng từ khi chào đời, bé trai phải chịu 3 cuộc mổ (Ảnh: BV).

Sau ca mổ chữa tắc ruột lúc 4 ngày tuổi, bé được nuôi ăn tĩnh mạch, hồi phục nhanh. Tuy nhiên khối u bạch huyết lại có dấu hiệu nhiễm trùng, xâm lấn các khối cơ vùng ngực và cổ bên trái, bao quanh các bó mạch và thần kinh. Nếu không phẫu thuật, để khối u quá to, bé sẽ vẹo đầu cổ, lệch vai và chèn ép đường thở gây suy hô hấp, hoại tử da.

Nhưng trong quá trình phẫu thuật, nguy cơ tổn thương mạch máu, thần kinh, để lại nhiều di chứng cho bé như liệt cánh tay, ảnh hưởng chức năng vận động vùng cổ cũng có thể xảy ra. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo kiểm soát các nguy cơ tổn thương mạch máu và thần kinh, ca mổ bóc tách khối u cho bé được tiến hành ngày 18/1.

Hậu phẫu, bé ăn ngủ tốt, nghiêng xoay đầu được và tự lật khi tròn 3 tháng tuổi. Cuối tháng 4, bé trai quay lại bệnh viện để tiếp tục thực hiện cuộc mổ nối ruột. Hiện tại, bệnh nhi có thể đi vệ sinh như người bình thường.

Em bé vừa sinh đã bị khối u nặng 1/3 cơ thể làm vẹo cổ, tắc ruột nguy kịch - 3

Sau ca mổ đóng hậu môn tạm, sức khỏe bé trai đã ổn định, có thể đi vệ sinh như trẻ bình thường (Ảnh: BV).

Theo các bác sĩ, u bạch huyết thường hình thành từ giai đoạn bào thai hoặc trẻ sinh dưới 5 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa được xác định rõ, nhưng có một số nghiên cứu cho rằng u hình thành trong thai nhi do hệ bạch huyết phát triển không đúng cách.

Hiện không có phương pháp để ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng này. Tuy nhiên, việc theo dõi sức khỏe thai kỳ chặt chẽ và tiến hành các xét nghiệm di truyền khi cần thiết có thể giúp phát hiện sớm một số bất thường và quản lý bệnh một cách hiệu quả.

Do đó, thai phụ được khuyến cáo cần tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, không uống rượu và cần khám định kỳ. U bạch huyết và tắc ruột bẩm sinh khi được can thiệp sớm có thể giúp trẻ phục hồi tốt, sinh hoạt bình thường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm