Em bé nhỏ tuổi nhất thế giới được ghép gan “đảo chiều”
(Dân trí) - Bé Rand Sirucek (Mỹ) đã xuất viện sau khi ca mổ ghép gan đột phá, trở thành em bé nhỏ tuổi nhất thế giới được sử dụng kỹ thuật ghép gan “đảo chiều”.
Gia đình bé Sirucek
Trong ca mổ được thực hiện khi bé Rand mới được 8 tháng tuổi, các bác sỹ ở bệnh viện Mount Elizabeth Novena đã lấy phần gan bên trái của cha em, xoay nó lại và ghép vào phần gan bên phải của bé.
Phương pháp này trước đây chưa từng được sử dụng trên trẻ em. Tuy việc ghép “thùy gan trái vào bên phải” đã được ghi nhận trên một số bệnh nhân người lớn trên toàn thế giới, song nó đã dẫn đến một số biến chứng khi gan tái sinh. Tuy nhiên bé Rand và cha em là Cole Sirucek, 38-year tuổi đã phục hồi tốt
Thành công của ca mổ này có ý nghĩa quan trọng về sự phát triển của kỹ thuật ghép gan nhi khoa từ người sống trên toàn thế giới.
Gan của người bao gồm 2 phần là thùy phải có kích thước lớn hơn và thùy trái. Gan lấy từ người cho thường được ghép vào cùng vị trí ở người nhận để thuận lợi cho việc tạo hình bình thường các mạch máu và đường mật.
Tuy nhiên, bé Rand bị teo đường mật bẩm sinh, không có đường dẫn mật từ gan xuống ruột non, khiến cho nhiều cơ quan ở ổ bụng bên trái như lách, bị sưng to. Điều này khiến cho bên ổ bụng trái còn rất ít khoảng trống, trong khi chỉ có phần gan trái của cha em là thích hợp để ghép.
Do tính chất phức tạp này mà ca mổ phải kéo dài 12 tiếng với ê kíp gồm 20 người, trong đó có 8 bác sĩ. Kíp mổ đã phải cực kỳ thận trọng khi tạo hình mạch máu và các mô khác để đảm bảo gan ghép hoạt động bình thường. Hai tháng sau ca mổ, bé Rand cùng cha đã được xuất viện và trở về với cuộc sống bình thường.
Cẩm Tú
Theo Asiaone