Dược liệu sạch - Hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp
Việc đầu tư vào các vùng trồng dược liệu sạch, đạt tiêu chuẩn quốc tế đang trở thành 1 xu thế không thể đảo ngược để nhận được sự ủng hộ bền vững từ người tiêu dùng.
Trước những nguy cơ đáng báo động về dược liệu không an toàn, dược liệu bẩn, nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu nước nhà do thiếu tri thức về phát triển, bảo tồn, sử dụng dược liệu, nhiều chuyên gia nhận định: Đây chính là những nguy cơ gây nhiều thách thức nhất cho các doanh nghiệp dược vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm thành phẩm.
Theo thống kê, hiện cả nước có 322 đơn vị, cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu nhưng mới chỉ có 12 doanh nghiệp đạt chuẩn GMP - WHO và duy nhất Công ty Nam Dược sở hữu 1 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP- WHO với bộ tích hợp tiêu chuẩn quốc tế IMS ( ISO 9001, ISO 14000, HACCP, TQM).
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia: Thị phần thuốc có nguồn gốc tự nhiên ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 10% nhu cầu thuốc sử dụng trong nước, chứng tỏ nhu cầu sử dụng chế phẩm từ thiên nhiên còn rất lớn.
Đáng ngại là, các kết quả kiểm tra chất lượng của Viện và các Trung tâm Kiểm nghiệm trên cả nước trong những năm gần đây cho thấy: Số mẫu thuốc Đông dược không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã dăng ký mỗi năm chiếm khoảng 10% trên tổng số mẫu lấy kiểm tra, cao hơn nhiều so với thuốc Tân dược (trên 2%).
Kết quả kiểm tra định tính, định lượng và tạp chất đối với gần 400 mẫu dược liệu của Bộ Y tế đầu năm 2014 cũng cho thấy có đến 60% mẫu chưa đạt chất lượng theo “Dược điển Việt Nam” và 20% vị thuốc có sự nhầm lẫn giữa các loại, trộn lẫn hóa chất độc hại và hàm lượng hoạt chất đạt thấp.
Đánh giá về thực trạng này, các nhà quản lý cho rằng: Phần lớn các doanh nghiệp dược chưa tự chủ được nguồn cung ứng (do chưa thực hiện GACP-WHO); chưa có trang thiết bị đạt chuẩn để kiểm nghiệm nguồn dược liệu đầu vào khiến việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích trưởng, hàm lượng kim loại nặng…gặp rất nhiều khó khăn; Quy trình chế biến, bào chế dược liệu chưa thống nhất và ổn định.
Mặt khác, việc “làm nhanh - ăn sổi” của một số doanh nghiệp cũng khiến cho thị trường dược phẩm Việt ngày càng gia tăng số lượng về sản phẩm không đạt chuẩn, gây nhiều nguy hại cho người tiêu dùng.
Do đó, đây là lúc, các doanh nghiệp dược phẩm uy tín thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng đồng thời tạo ra chuỗi giá trị khác biệt, bền vững, khoa học thì mới nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía người tiêu dùng.
Ví như vùng trồng Dây thìa canh tại Hải Hậu - Nam Định của Nam Dược được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn quốc tế - GACP – WHO, đã đưa Nam Dược lọt vào Top 3 doanh nghiệp tại Việt Nam có công bố trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP - WHO (Thực hành trồng trọt, thu hái và chế biến dược liệu đạt chuẩn theo quy định Tổ chức Y tế thế giới).
Và đại diện doanh nghiệp này, ông Hoàng Minh Châu khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi cải tiến chất lượng, cải tiến năng suất, cải tiến công nghệ và chủ động nguồn dược liệu để ngày càng có nhiều sản phẩm hiệu quả, chất lượng quốc tế nhằm vươn tới các giải thưởng trong và ngoài khu vực”.
Vân Anh