Dùng thuốc giảm cân: Coi chừng dao hai lưỡi đều sắc

Ngoài phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều người đã lựa chọn giải pháp dùng thuốc giảm cân. Tuy nhiên, thuốc giảm cân là loại thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Giảm cân khi nào?

Thừa cân, béo phì là một hội chứng mang bản chất của một rối loạn chuyển hoá dinh dưỡng nhiều hơn là một rối loạn của gen mặc dù người ta cũng tìm được một số gen có liên quan. Điều quan trọng hơn, béo phì là yếu tố nguy cơ cao của nhiều bệnh khác.

Chứng béo phì thường liên quan đến các bệnh lý hoặc rối loạn như: đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, mệt mỏi, khó thở khi gắng sức và có xu hướng bị hư các khớp nâng đỡ (khớp háng, đầu gối, cột sống...). Do vậy, trong khuyến cáo về kiểm soát bệnh tật, giới chuyên gia thường đưa ra các khuyến cáo để mọi người kiểm soát cân nặng nhằm giảm gánh nặng bệnh tật.

Cần thận trọng với tác dụng phụ của thuốc giảm cân.
Cần thận trọng với tác dụng phụ của thuốc giảm cân.

Việc xác định một người thừa cân hay không cần căn cứ vào chỉ số BMI tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (đo theo mét hoặc cm). Người bị béo phì khi BMI từ 25 trở lên.

Nguyên tắc giảm cân của thuốc

Thuốc giảm cân khi vào cơ thể sẽ tác động trực tiếp vào hệ tiêu hoá và những bộ phận có liên quan nhằm hai mục đích chính: giảm hấp thu và gây cảm giác chán ăn. Kết quả cuối cùng là lượng dinh dưỡng trong cơ thể giảm xuống và cơ thể giảm được cân.

Tại Việt Nam có khoảng 100 nhãn hiệu thuốc giảm cân đang lưu hành. Có thể chia thuốc giảm cân thành 3 loại chính: các thuốc làm no đầy ống tiêu hóa, các thuốc làm chuyển hóa các chất béo trong cơ thể và các thuốc gây chán ăn. Tất cả các thuốc này đều có tác dụng phụ có hại cho sức khỏe người sử dụng.

Thuốc làm no ống tiêu hóa: Chứa các chất như: sterculia, methylcellulose... Các chất này không được hấp thụ vào máu mà chỉ nằm trong lòng ruột, hút nước, gây trương nở và làm đầy bụng khiến người dùng thuốc không có cảm giác đói. Thuốc gây các tác dụng phụ như trướng bụng, đầy hơi. Những người bị chứng hẹp đường tiêu hóa, chứng to kết tràng nếu dùng loại thuốc này sẽ có nguy cơ bị tắc ruột...

Thuốc tăng cường chuyển hóa các chất gây béo trong cơ thể: Chứa nội tiết tố tuyến giáp thyroxin, một chất có khả năng gia tăng chuyển hóa các chất béo ở tế bào. Thuốc chỉ có công hiệu với chứng béo phì do thiếu thyroxin gây ra. Nó có nguy cơ làm hại tim, gây ức chế chức năng tuyến giáp nên người dùng dễ bị bướu cổ...

Các thuốc gây chán ăn: Đó là các thuốc chứa amphetamin hoặc các dẫn chất tương tự amphetamin: benzedrine, phenamin, mirapront N, isoméride, didrex, anorex, tepanil, adifax, pondéral... Các chất này tác động lên hệ thần kinh trung ương gây khó ngủ, làm mất cảm giác đói, ăn mất ngon và không muốn ăn khiến người sử dụng giảm cân. Đây là loại thuốc được sử dụng rộng cho mục đích giảm cân. Thuốc gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Việc lạm dụng loại thuốc này có thể gây nghiện thuốc, dễ dẫn tới sử dụng ma túy. Khi không dùng nữa, người sử dụng có tâm trạng chán nản và muốn tự tử. Những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp và bệnh tăng nhãn áp tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc này vì có thể bị suy tim, mù mắt...

Khuyến cáo

Thuốc giảm cân phải được dùng theo chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa, sau khi đã cân nhắc các nguy cơ bệnh tật của người sử dụng. Thuốc sẽ có hiệu quả cao khi người dùng thực hiện chế độ ăn kiêng phù hợp, luyện tập thể lực tích cực. Không nên lầm tưởng về những tác dụng “thần kỳ” mà thuốc giảm béo có thể đem lại.

Thuốc giảm béo không điều trị được bệnh béo phì. Khi ngừng uống thuốc, cân nặng của bạn sẽ tăng trở lại nếu không duy trì một chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh và tập luyện thường xuyên.

Không nên mua thuốc giảm cân trôi nổi trên thị trường, đề phòng hàng giả mạo, gây những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo DS. Thành Thu

Sức khỏe & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm