Đừng quên lên dây “đồng hồ sinh học”

Biết quán triệt cơ chế vận hành của nhịp sinh học, con người có thể tận dụng phản ứng tất yếu của cơ thể cho mục tiêu phòng bệnh hay trị bệnh. Dùng thuốc đúng nhịp sinh học thì chỉ cần liều thấp mà lại có tác dụng tối đa.

Từ 5 - 7g sáng

 

Đây là giờ khởi động của cơ thể.Trong khoảng thời gian này, nên chọn bữa ăn sáng cho đủ năng lượng, đủ sinh tố và khoáng tố, mà không sợ đường trong máu tăng cao vì tụy tạng lúc này hoạt động rất hăng.

 

Từ 7 - 9g

 

Đừng tưởng bở là sẽ sung sức sau bữa điểm tâm. Ngược lại là khác, cơ thể rất dễ mệt, hệ thần kinh dễ đổ quạu vào thời điểm này vì lượng đường trong máu có khuynh hướng bất ngờ xuống thấp.

 

Do đó, không nên tập trung công việc, buổi họp quan trọng ngay vào lúc này. Nên bình tĩnh kéo dài thời gian và đừng quên lo lót cho bao tử chút bánh kẹo vào khoảng cuối giờ.

 

Từ 9 - 11g

 

Đây là giờ cao điểm cho công việc vì tuyến thượng thận lấy lại phong độ. Đây là lúc nên lên kế hoạch, trình bày dự án, thương thảo với khách hàng... Tuy nhiên, không nên làm việc quá 90 phút vì não sẽ hết năng lượng sau 1 giờ rưỡi chiến đấu. Cần nghỉ tối thiểu 15 phút trước khi vào buổi ăn trưa.

 

Từ 11 - 13g

 

Tuyệt đối tránh stress vào giờ ăn trưa vì sẽ ức chế hoạt tính của tụy tạng khiến đường dễ tăng cao trong máu. Nên uống thuốc tiểu đường, thuốc bao tử vào lúc 11g nếu muốn có tác dụng tối đa.

 

Nên tránh ăn trưa quá sớm vì dịch vị được bài tiết nhiều nhất vào lúc 13g. Bữa ăn vào lúc 12g hay trễ hơn một chút bao giờ cũng tốt hơn thói quen ăn trưa lúc 11g.

 

Từ 13 - 15g

 

Làm việc hay học tập vào giờ này là một sai lầm nghiêm trọng. Tốt nhất nên tìm cách tận dụng tác dụng hồi phục của giấc ngủ trưa bằng cách chợp mắt tối thiểu 15 phút, nhưng cũng đừng quá 60 phút. Nếu muốn ghi nhớ điều gì thì tập trung ngay sau giờ ngủ.

 

Người có bệnh ngoài da nên dùng giờ này để thoa thuốc vì da lúc này rất nhạy cảm.

 

Từ 15 - 17g

 

Giờ làm việc lý tưởng vì nội tiết tố chống stress của tuyến thượng thận và tuyến giáp trạng trở lại hoạt động. Ai cần uống thuốc giảm đau, hay phải nhổ trám răng nên chọn lúc 16g, vì đó là thời điểm hoạt động cực đại của nội tiết tố chống đau endorphin.

 

Từ 17 - 19g

 

Thời điểm của cơ bắp. Nên chơi thể thao. Nên uống thuốc bổ, thuốc giải độc, hay xông hơi vì thận sẽ hoạt động tối đa cho đến 19g. Trước đó, không nên quên bữa ăn xế vào khoảng 17g để tránh tình trạng huyết áp và đường trong máu xuống thấp bất ngờ.

 

Từ 19 - 20g

 

Giờ ăn tối. Có thể uống chút rượu trong khoảng thời gian này vì gan hoạt động gấp 5 lần bình thường để giải độc. Nhưng nên tránh ăn ngọt vì tụy tạng giảm thiểu chức năng thấy rõ ở thời điểm này.

 

Từ 20 - 22g

 

Đây là khoảng thời gian lý tưởng để tái tạo da niêm. Nên ngâm tắm hay dùng mỹ phẩm dưỡng da. Đây cũng là lúc nên uống thuốc hạ áp vì chỉ cần nửa liều thông thường mà có tác dụng qua đêm.

 

Từ 22 - 23g

 

Không nên ráng thức nếu buồn ngủ, vì sẽ làm trật nhịp sinh học. Nếu có thể, nên thiền định ít phút và ôn lại công việc trong ngày để chuẩn bị cho não bộ hoạt động trong giấc ngủ.

 

Đây cũng là giờ nên uống thuốc trị bệnh đường hô hấp như viêm xoang, viêm phế quản, hen suyển.

 

Từ 23 - 5g sáng

 

Giờ ngủ, trong đó 3 giờ đầu không những mang tính chất quyết định về khả năng học tập và trí nhớ trường viễn, mà còn là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng để cơ thể tập trung lực lượng kháng bệnh nhằm truy diệt mầm bệnh ngoại lai. Nếu xét về giá trị lâu dài, trật nhịp ở khâu này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

 

Sai một ly đi một dặm. Với nhịp sinh học cũng thế, như người khiêu vũ quá nhanh hay quá chậm đều là trật nhịp. Biết cách giữ đúng nhịp sinh học thì khoẻ lâu. Trật nhịp thì... thầy thuốc khoẻ!

 

 

Theo BS Lương Lễ Hoàng

Sài Gòn Tiếp Thị