Dùng kháng sinh điều trị mụn trứng cá coi chừng… nát mặt
(Dân trí) - Mụn trứng cá là một trong những bệnh lý nang lông tuyến bã mạn tính gặp ở hầu hết thanh thiếu niên và người trẻ. Trứng cá thể hiện là tình trạng viêm không phải bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị mụn đang gây ra những hậu quả nặng nề cho bệnh nhân.
Cô gái trẻ N.B.Ph. (19 tuổi) đến bệnh viện Da Liễu với chiếc khẩu trang che kín toàn bộ khuôn mặt. Tại phòng khám, khi mở lớp khẩu trang, trên những vùng da đã bị rỗ đang tiếp tục xuất hiện nhiều mụn bọc cả mụn đầu đen và mụn đầu trắng. Nữ bệnh nhân cho biết, cô đã phải đối mặt với tình trạng trên hơn 2 năm qua, làn da trên gương mặt ngày càng bị tổn thương nặng hơn.
Thông tin từ bệnh nhân được biết, năm 16 tuổi da mặt cô bắt đầu xuất hiện mụn. Nghe bạn bè mách, cô lên mạng mua một loại sản phẩm trị mụn siêu tốc. Chỉ sau hơn 1 tuần bôi làn da của cô đã láng mịn, căng mọng, cô tiếp tục sử dụng sản phẩm theo hướng dẫn của người bán. Tuy nhiên, sau nhiều tháng bôi kem, làn da bắt đầu bị mỏng, xuất hiện gân máu, ửng đỏ, nhăn nheo, nám… mụn từ đó bắt đầu mọc trở lại khiến bệnh nhân mất kiểm soát.
Khi đi thăm khám ở bệnh viện địa phương, cô được bác sĩ chẩn đoán bị viêm da, tăng tiết bã nhờn nên cho thuốc kháng sinh về thoa. Nữ bệnh nhân chia sẻ: “Ban đầu dùng thuốc, em thấy mụn có giảm nhưng chỉ được vài tháng mụn lại xuất hiện với nhiều mụn bọc hơn. Bác sĩ sau đó có đổi thuốc từ dạng thoa sang dạng uống nhưng cũng chỉ hạn chế được mụn trong thời gian ngắn”.
Trường hợp trên chỉ là ca bệnh diển hình trong hàng nghìn bệnh nhân phải đến bệnh viện Da Liễu, TPHCM thăm khám, điều trị mỗi năm vì biến chứng nghiêm trọng do lạm dụng các loại sản phẩm có chứa corticoid, lạm dụng kháng sinh dẫn tới vi khuẩn kháng kháng sinh. BS Võ Thị Đoan Phượng cho biết, rất nhiều bệnh nhân tới thăm khám khi da mặt đã bị tổn thương nghiêm trọng gây tăng tiết bã nhờn, sừng hóa nang lông, hệ sinh vật của da bị phá vỡ, để lại sẹo rất khó điều trị phục hồi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Phân tích của BS Đoan Phượng chỉ ra: “Mụn trứng cá là một trong những bệnh lý của nang lông tuyến bã mạn tính thường gặp nhất chiếm tỷ lệ khoảng 80% thanh thiếu niên và người trẻ (nhóm từ 11 đến 30 tuổi). Sinh bệnh học của mụn trứng cá rất phức tạp, chưa được hiểu biết hoàn toàn, lâu nay các vấn đề liên quan đến vai trò của vi khuẩn (Cutibacterium Acnes) hiện tượng viêm và đáp ứng miễn dịch đang đưa kháng sinh trở thành lựa chọn đầu tay của bác sĩ da liễu trong điều trị mụn trứng cá.
Tuy nhiên, hiện nay với những tiến bộ trong sự hiểu biết về cơ chế sinh bệnh học của mụn trứng cá các nhà nghiên cứu đã “vén bức màn” về hệ vi sinh vật trên da cũng như vai trò của vi khuẩn, từng bước làm thay đổi quan niệm điều trị bệnh. Theo đó, hệ vi sinh vật trên da có cả chủng gây bệnh và chủng không gây bệnh chúng xuất hiện khá phổ biến trên bề mặt da của cả người có mụn trứng cá và làn da khỏe mạnh bình thường.
Mụn trứng cá được hiểu là một tình trạng viêm, không phải là bệnh truyền nhiễm nên kháng sinh chỉ có thể cải thiện các triệu chứng trên một số bệnh nhân, kháng sinh không giải quyết được tình trạng da một cách triệt để. Mặt khác, kháng sinh đang gây ra những tác hại khôn lường cho người bệnh.
Từ thực tế điều trị, nghiên cứu bác sĩ cho biết nhiều bệnh nhân đã phải đối mặt với tác dụng phụ của kháng sinh; vi khuẩn kháng kháng sinh; việc sử dụng kháng sinh trong thời gian dài đã phá vỡ hệ vi sinh vật của da. Ở nhóm các bệnh nhân bị chủng vi khuẩn cutibacterium acnes kháng thuốc tình trạng nhiễm trùng trở nên nặng nề hơn. Những người được điều trị bằng kháng sinh tại chỗ hoặc uống trong ít nhất 6 tuần có khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm họng cao hơn 2 đến 4 lần so với những bệnh nhân không dùng kháng sinh trong 1 năm theo dõi.
BS Đoan Phượng cho rằng, không nên lựa chọn kháng sinh là giải pháp đầu tay trong điều trị mụn trứng cá. Cả bác sĩ và người bệnh nên cân nhắc, lựa chọn những giải pháp thay thế khác trước khi sử dụng kháng sinh như liệu pháp hormon (thuốc tránh thai kết hợp, spironolactone…), isotretunoine để hạn chế những tác dụng không mong muốn của việc sử dụng kháng sinh gây ra. Các bác sĩ chuyên khoa da liễu cần phải thay đổi nhận thức về kháng kháng sinh từ đó tạo ra sự thay đổi tương ứng của thói quen kê đơn trong thực hành lâm sàng.
Vân Sơn