1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đừng để "gục ngã" trên bàn nhậu vì 3 thói quen này

(Dân trí) - ​“Chén rượu đầu xuân” đã trở thành thói quen, văn hóa của người Việt. Chưa kể, trong giới trẻ lại bị biến tướng trong những cuộc vui gặp gỡ bạn bè, họp lớp dịp tất niên, tân xuân. Rất nhiều người sau những cuộc nhậu gặp gỡ đã “gục gã” vì say liểng xiểng, bởi 3 thói quen sau.

Để bụng đói khi uống rượu

“Có nhiều người có thói quen, khi ngồi vào bàn nhậu, chỉ uống mà ăn cực ít. Đây là một sai lầm nguy hiểm cho sức khỏe. Nhưng đáng tiếc nó lại vô cùng phổ biến ở người trẻ, uống quên ăn”, BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cảnh báo.

Đừng để "gục ngã" trên bàn nhậu vì 3 thói quen này - 1

Không nói về nguy cơ rượu giả, rượu pha methanol, bởi dù rượu xịn cũng gây nhiều nguy cơ cho người uống nếu uống với lượng lớn. Lúc này người uống sẽ bị say, thần kinh bị kích thích gây ra tình trạng lảm nhảm, nôn, nói nhiều. Trong khi đó, không thể ép họ ăn uống vì họ chỉ thực sự uống được 1-2 ngụm nước chanh, nước sâm… rồi sau đó lăn đùng ra ngủ.

Trong khi đó, ngủ trong trạng thái say rượu, bụng lại đói, lúc này xuất hiện nguy cơ bị hạ đường trong máu, dễ dẫn tới tử vong hoặc di chứng trên não.

Lời khuyên: Hãy ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau uống, đặc biệt các thức ăn từ tinh bột (cơm, bún, mỳ,…), hoặc thức ăn có nhiều đường sẽ giúp "tráng ruột", hạn chế được nguy cơ này từ rượu.

Dô, dô, dô… liên tục

Ở người Việt Nam, để không bị rượu gây những tác hại xấu lên cơ thể, nam giới không nên uống quá 20 gam/ngày, với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày. Theo đó nữ không uống quá 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39,9%; Nam không uống quá 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39,9%.

Nhưng thực tế, các “con giời” khi đã ngồi vào bàn nhậu, vừa “chào mâm” đã 5 - 6 chén. Rồi đủ thứ lí do để uống riêng, uống chung, uống “chứng kiến”…

Tình trạng uống dồn dập khiến rượu vừa vào cơ thể mà chưa kịp gây ra những phản ứng say ngay lúc đó nhưng chỉ khoảng 30 phút sau, nhiều người vẫn đang tỉnh, cười nói, “dô, dô, dô” dồn dập bỗng chốc liểng xiểng, đầu đau, cảm giác chông chênh, đi không vững…

Theo BS Nguyên, rất khó để đảm bảo được liều lượng khuyến cáo khi trong cuộc vui. Nhưng hãy uống bình tĩnh, lai rai, giãn khoảng cách thời gian các lần chạm cốc, vừa ăn vừa uống để giảm nguy cơ say nhanh.

Mọi người cũng cần chú ý, một khi đã uống rượu, bia, bạn sẽ rất dễ dàng nhanh chóng mất khả năng kiểm soát và chuyển từ “uống ít” sang “uống nhiều”. Vì thế, nếu thấy không còn tỉnh táo, đi lại biêng biêng rồi thì nên dừng lại để giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe. Bởi khi say không chỉ có tác hại của rượu, mà việc không làm chủ hành vi có thể khiến người say sinh sự đánh nhau, đi xe gây tai nạn…

Uống “tạp phí lù” đủ loại rượu - bia

Trong một cuộc rượu, bác sĩ khuyến cáo chỉ nên uống 1 loại để có thể kiểm soát lượng uống vào cơ thể.

Đừng uống cả rượu mạnh, rượu vang, rồi cả bia. Mỗi thứ một tí, không kiểm soát được nhưng lượng cồn nạp vào cơ thể là rất lớn, bạn sẽ nhanh say hơn rất nhiều.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm