1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đội xe ôm bỏ khách… đi hiến máu

(Dân trí) - Có những lúc, các anh bỏ dở dang công việc đang làm, vượt hàng chục km đường dài đầy nắng, bụi tới hiến máu cho người bệnh, vì khi đó “chỉ có một ý nghĩ duy nhất là cứu người”.

Và những anh xe ôm bỏ khách … đi hiến máu

Anh Lê Minh Tân (31 tuổi, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) đã 53 lần hiến máu, với không ít lần hiến máu khẩn cấp, bất kể đó là nửa đêm hay giữa trưa nắng chang chang. Là đội trưởng đội xe ôm phục vụ du khách đến thăm quan, lễ Phật tại khu vực Núi Cấm (xã An Hảo), hết ngày rằm mùng một, hết mùa lễ hội, anh Tân về làm nghề phụ hồ, công việc vất vả, nặng nhọc nhưng với anh, việc hiến máu luôn được coi như việc làm đem đến sự bình yên, hạnh phúc cho chính mình và nhiều người bệnh.
 
Anh Lê Minh Tân hiến máu lần thứ 53 trong một ca cấp cứu cần máu tại BVĐK Tịnh Biên. Ảnh: Mỹ An
Anh Lê Minh Tân hiến máu lần thứ 53 trong một ca cấp cứu cần máu tại BVĐK Tịnh Biên. Ảnh: Mỹ An

Nhớ lại lần đang trở khách lên núi Cấm, anh nhận được điện thoại từ bệnh viện, từ người nhà bệnh nhân cầu cứu hiến máu cho người thân đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhật Tân (Châu Đốc – cách nơi anh ở khoảng 50 km) cần gấp 5 túi máu B. Anh vội vã bỏ lại khách, cùng 4 người trong đội xe gấp rút tới bệnh viện hiến máu, anh chia sẻ: “Khi đó chỉ có một ý nghĩ duy nhất là cứu người nên đi ngay”.

Mong sẽ có nhiều máu cứu người bệnh, khi lập gia đình, anh Tân đã vận động thêm vợ cùng hiến máu, mặc dù số lần hiến máu của vợ còn ít nhưng anh vui vì có thêm người thân đồng hành trên hành trình hiến dâng sự sống. Không chỉ được người thân ủng hộ việc làm nhân nghĩa, năm 2011, anh Tân cùng một số người bạn đã thành lập đội xe ôm hiến máu, tới nay, đội của anh có trên 10 người, chưa kể anh, em họ hàng. Họ đến hiến máu bất cứ đâu khi người bệnh cần, không quản ngại đó là đêm khuya hay giữa trưa nắng, lúc đang bận việc hay sự khó khăn trong đi lại…

Từ nơi họ ở đến điểm hiến máu gần nhất (Bệnh viện đa khoa huyện Tịnh Biên) cũng khoảng 20km, chưa kể đoạn đường từ trên núi xuống. Có khi đi hiến máu cho bệnh  nhân ở Bệnh viện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cả đi cả về đến hàng trăm km nhưng mọi khó khăn đều trở nên đơn giản khi máu của họ đã cứu sống được nhiều người bệnh, niềm vui còn nguyên trên nét mặt, anh Tân chia sẻ: “Lần hiến máu đáng nhớ nhất là khi cứu giúp được một sản phụ mất máu sau sinh ở Bệnh viện Trung tâm An Giang (Tp. Long Xuyên), hôm đó vào giữa trưa khi nhận được điện thoại từ bệnh viện, ba người chúng tôi đi ngay”. Hôm gặp anh cũng là lần anh hiến máu khẩn cấp cho một bệnh nhân ở Khoa Nội (Bệnh viện đa khoa Tịnh Biện), đánh dấu mốc 53 lần hiến máu và chắc chắn sẽ còn hàng chục lần khác nữa anh sẽ hiến máu vì người bệnh.

Những “lão làng truyền lửa”

Ở xã miền núi giáp biên giới Campuchia, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang được biết đến là một trong những “xã giàu tình nghĩa” với việc cả bố - con, mẹ - con, anh chị em tham gia hiến máu đã trở nên rất đỗi bình thường. Gia đình ông Nguyễn Trọng Hiếu (xã An Hảo, đã hiến máu 40 lần) được biết đến không chỉ về số lượng các thành viên thân thích trong gia đình tham gia hiến máu mà còn nổi bật về số thành viên tham gia hiến máu nhiều lần nhất.

Bản thân ông Hiếu đã hiến máu 40 lần, vợ ông là bà Nguyễn Thị Nhung cũng đã 25 lần hiến máu, người em ruột Nguyễn Ngọc Thảo cũng không thua kém với 36 lần. Số thành viên trong gia đình tham gia hiến máu tăng dần theo từng năm, lần lượt với cô, dì, chú, bác, anh em, con cháu, cho đến nay cả gia đình đã có 8 thành viên hiến máu, người hiến nhiều nhất là 53 lần, người ít nhất cũng đã 5 lần.

Chia sẻ việc hiến máu của gia đình, ông Hiếu cho biết: “Gia đình không phải tốn công vận động, con cháu trong nhà nhìn người trên hiến máu rồi tham gia theo. Đó là niềm vui của gia đình, hiến máu được là khỏe mạnh, giúp ích được cho người khác”.

Không riêng gia đình ông Hiếu, ở huyện miền núi này cũng có nhiều người suy nghĩ và làm như ông, Ông Lê Hoàng Minh đã 44 lần hiến máu, nhiều lần cùng con trai hiến máu dù có đang bận công việc. Bà Trần Thị Thu (TT. Nhà Bàng,Tịnh Biên) đã hơn 10 lần hiến máu, chỉ mới nghe nói có người đang cần máu tại bệnh viện là bà lập tức đến ngay vì theo bà: “có người cần thì mình tới hiến giúp người ta”. Hay bà Nguyễn Thị Mòi (TT. Nhà Bàng) dẫn theo con gái, con rể đến ghi tên tham gia câu lạc bộ hiến máu dự bị, Ông Lý Sương (61 tuổi, xã Nhơn Hưng, 12 lần hiến máu, hiện đã hết tuổi hiến máu) vẫn cương quyết đòi tham gia vào câu lạc bộ vì “tôi vẫn khỏe để hiến máu được”. Tình cảm chân thành, thực tâm dành cho việc hiến máu của những “người lớn tuổi” nơi đây như cách “truyền lửa” sống động để những người con, người cháu của họ cũng theo tâm nguyện làm viêc thiện.

Niềm vui bất ngờ dành cho anh Tân và những người bạn hiến máu, sau khi khỏe mạnh trở lại gia đình và người sản phụ đã về tận nhà anh để “cảm tạ” người cứu mình, nhưng với anh niềm vui lớn nhất là nhìn thấy họ khỏe mạnh trở lại. Không ít người bệnh được cứu sống mang trong tâm sự biết ơn những người đã cứu sống họ, cộng đồng cũng dành sự mến phục, trân trọng cho những người hiến máu – những người đã hy sinh cả thời gian và một phần sức khỏe vì sự sống của người bệnh như anh Tân, ông Hiếu, ông Thảo, ông Sướng, bà Thu và hàng triệu người hiến máu khác. Thế giới cũng dành một ngày thiêng liêng nhất để để ghi nhận, tôn vinh người hiến máu (ngày 14/6 hằng năm). Chắc chắn không ít lần anh Tân nhận được sự khen ngợi và cả những phần thưởng nhưng phần thưởng lớn nhất, niềm vui lớn nhất sau những lần hiến máu là “người bệnh được cứu sống và khỏe mạnh” và việc hiến máu của họ  thực sự có ý nghĩa khi “Mỗi giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”.

Mỹ An