Đối mặt với chứng rạn da

(Dân trí) - Chứng rạn da không chỉ gặp ở phụ nữ mang thai mà còn gặp ở những người lên cân quá nhanh, dùng thuốc quá liều. Nhiều người cầu cứu các loại kem chống rạn, điều trị bằng máy siêu âm mài mòn… nhưng hy vọng vẫn chỉ là hy vọng.

Nguyên nhân

 

BS Nguyễn Thành, trưởng Khoa Khám bệnh Viện Da liễu TƯ cho biết, phụ nữ mang thai thường bị rạn da là do da thai lớn nhanh trong khi da bụng “tăng tốc” không kịp, làm đứt các tổ chức liên kết dưới da. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị rạn da khi mang thai, vì nó còn phụ thuộc vào yếu tố cơ địa của mỗi người, tuỳ thuộc vào độ đàn hồi của da.

 

Không chỉ gặp ở những phụ nữ mang thai, những người lên cân quá nhanh cũng hay bị rạn da vùng hông, mông. Hay những thanh niên ở tuổi dậy thì, chiều cao, cân nặng phát triển nhanh cũng gây nên những vết rạn. Những vết rạn này thường xuất hiện ở những vùng tổ chức nhẽo như hai bên đùi, bọng chân…

 

Việc bôi các loại corticoid (như cortibion, flucicort, flucinar...) dài ngày cũng có thể gây tai biến rạn da. Nếu bôi với diện rộng, thuốc có thể gây rạn da một vùng rộng, đặc biệt là khi băng bịt các thuốc này, hoặc khi bôi ở vùng nếp gấp. Trong trường hợp này, nên ngừng ngay việc bôi thuốc.

 

Không thể phòng ngừa

 

BS Thành cho hay, nhiều phụ nữ mang thai thường dùng các loại kem chống rạn da, nhưng trên thực tế, hiệu quả mang lại của các loại kem này không cao, nó chỉ hạn chế được phần nào hiện tượng nứt da vùng bụng.

 

Các loại kem này thường có một số chất chống nhăn, giàu độ ẩm giúp làm mềm ra, tăng độ đàn hồi cho da, nhưng với những người đã có yếu tố cơ địa cộng với thai phát triển nhanh, đa phần vẫn bị những vết rạn này.

 

Nhiều người cho rằng bôi kem vết rạn sẽ đỡ đi, nhưng thực tế, việc dùng kem chỉ làm các vết rạn mờ hay sáng màu hơn, chứ các tổ chức liên kết dưới da đã bị đứt không thể nối lại được.

 

BS Thành cũng cho hay, các phương pháp thường được quảng cáo tại một số thẩm mỹ viện như điều trị rạn như bằng máy siêu mài mòn hay ánh sáng nhưng thực chất chỉ làm cho vết rạn đổi màu sáng hơn chứ không thể làm cho da trở lại như trước được.

 

Chấp nhận sống chung

 

“Nhiều phụ nữ đến khám rạn da với một tâm trạng buồn chán, mặc cảm. Nhưng rạn da là một trong những bệnh rất khó chữa và chỉ làm giảm chứ không hoàn toàn hết hẳn được trừ khi bạn dùng phương pháp phẫu thuật thay thế vùng da rạn. Vì thế, bạn cần xác định tư tưởng không nên hy vọng quá nhiều vào các phương pháp như quảng cáo và tự tin chấp nhận những vết rạn”, BS Thành tâm sự.

 

Tuy nhiên, cũng có một số thuốc có tác dụng làm giảm vết mờ rất hiệu quả. Muốn điều trị rạn, sau sinh bạn nên đi khám xem da của bạn tại vùng rạn có khả năng phục hồi được không? Sau khi biết chính xác tình trạng rạn da của bạn, bác sĩ da liễu sẽ có những chỉ định cụ thể để bôi thuốc làm làm cho vết rạn mờ đi và nhỏ hơn.

 

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Mang thai