1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Độc tính của Covid-19 (nCoV) không mạnh hơn SARS-CoV

(Dân trí) - TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã khẳng định: "Độc tính của Covid-19 không mạnh hơn SARS-CoV".

Độc tính của Covid-19 không mạnh hơn SARS-CoV

Theo TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, virus Covid-19 (nCoV) có độc tính không cao hơn những loại virus corona từng xuất hiện trước đó.

Cụ thể, corona là một loại virus và có nhiều chủng khác nhau. Các chủng virus này đa phần đều gây bệnh và lây truyền ở động vật, trong đó có một số ít loại có thể lây sang cho con người.

Từ năm 1960, y học đã bắt đầu phát hiện ra một số chủng coronavirus có thể lây nhiễm qua người nhưng đều rất nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. 

Độc tính của Covid-19 (nCoV) không mạnh hơn SARS-CoV - 1

Cho đến năm 2002, một chủng mới của coronavirus xuất hiện, gây ra chứng bệnh hô hấp ở con người, có tỷ lệ tử vong cao và gây nên đại dịch SARS.

Năm 2012, coronavirus tiếp tục xuất hiện thêm chủng mới được gọi là MERS-CoV, gây ra bệnh hô hấp cấp ở con người xuất phát từ Trung Đông.

Độc tính của Covid-19 (nCoV) không mạnh hơn SARS-CoV - 2

Đến hiện tại, lại xuất hiện thêm 1 loại virus corona mới được gọi là nCoV hay mới đây được đặt tên chính thức là Covid-19. Loại virus này cũng có khả năng gây bệnh hô hấp cấp ở người và có tỷ lệ tử vong khá cao.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Như Vinh, sự hoang mang của dư luận là từ những người ở ngoài chuyên ngành không hiểu về cơ chế từ tác nhân gây bệnh và hình thành bệnh lý. Nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần nhiễm 1 loại virus nào đó thì chắc chắn sẽ bị mắc bệnh, điều này là không đúng.

Độc tính của Covid-19 (nCoV) không mạnh hơn SARS-CoV - 3

Thực tế, từ 1 tác nhân gây bệnh khi xâm nhập và cơ thể con người sẽ gặp phải nhiều cơ chế chống đỡ của cơ thể.

Đối với những đối tượng khỏe mạnh, cơ chế chống đỡ trong cơ thể tốt thì khi bị virus xâm nhập, cơ thể sẽ chống đỡ tốt và chiến thắng virus, không bị mắc bệnh.

Một số đối tượng có cơ chế chống đỡ trong cơ thể yếu hơn thì sẽ mang virus trong người và đi truyền cho những người khác mà thuật ngữ chuyên ngành gọi là "những người lành mang virus" hoặc "những người lành mang trùng". Lúc này, cơ thể họ vẫn khỏe mạnh nhưng virus vẫn sinh sôi nảy nở trong cơ thể họ và tiếp tục lây truyền cho những người khác.

Cuối cùng là những đối tượng có hệ miễn dịch quá yếu thì sau khi bị virus xâm nhập sẽ mắc bệnh. Nếu yếu hơn nữa thì sẽ mắc bệnh và dẫn đến tử vong.

Độc tính của Covid-19 (nCoV) không mạnh hơn SARS-CoV - 4

TS.BS Nguyễn Như Vinh cũng khẳng định, virus Covid-19 có mức độ độc tính không mạnh như SARS-CoV hoặc MERS-CoV bởi tỷ lệ tử vong của Covid-19 chỉ có 2% trong khi tỷ lệ tử vong ở SARS-CoV lên đến 10% và MERS-CoV lên đến 30%.

Xét về mặt lây lan, Covid-19 cũng có tỷ lệ lân lan thấp hơn so với  SARS-CoV và MERS-CoV.

Tuy nhiên, số người bị nhiễm Covid-19 tương đối đông là vì nó xuất hiện đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, đặc biệt là ở Trung Quốc. Thời điểm này, mọi người di chuyển nhiều hơn (cuộc dịch chuyển lớn nhất thế giới trong năm), tụ tập nhiều hơn nên  mức độ phân tán mầm bệnh nhiều hơn.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang