Đổ xô đi khám cúm

(Dân trí) - Trước thông tin xuất hiện nhiều chùm ca bệnh cúm A/H1N1, một số trường hợp diễn tiến nặng viêm phổi và tử vong, người dân đã cảnh giác hơn với dấu hiệu của cúm. Số bệnh nhân đến viện khám vì nghi ngờ cúm tăng cao.

Hoang mang vì cúm

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hai tuần trở lại đây, số bệnh nhân đến khám vì nghi ngờ cúm tăng hơn so với trước. Trung bình mỗi ngày có 100 - 120 bệnh nhân nghi cúm đến khám, sau khi sàng lọc có nhiều nguyên nhân khác gây các triệu chứng này như viêm họng, viêm phổi do các tác nhân khác chứ không phải cúm.
 
Mỗi ngày, tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư có trên 100 trường hợp đến khám vì nghi ngờ cúm. Ảnh: H.Hải
Mỗi ngày, tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư có trên 100 trường hợp đến khám vì nghi ngờ cúm. Ảnh: H.Hải

“Một ngày phát hiện 4 - 5 trường hợp cúm A/H1N1 nhưng đến 98% trường hợp là bệnh nhẹ, vừa không phải thở máy. Tuy nhiên vẫn có 1 - 2 trường hợp nặng. Hiện tại viện đang điều trị cho 3 trường hợp cúm A/H1N1 biến chứng viêm phổi phải thở máy, trong đó 1 trường hợp đã chữa trên hai tuần vẫn còn nặng”, TS Kính nói.

Chị Trần Thu Minh (Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, do đặc thù công việc hay phải vào bệnh viện, nên khi người có dấu hiệu mỏi, uể oảy, đau họng, đau mỏi người chị đã phải vội vàng bỏ công việc vào BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư khám.

“Trước khi đi khám mình đã tư vấn đến hơn chục bác sĩ quen, ai cũng nói không nên quá hoang mang, vì cúm A/H1N1 biểu hiện nhẹ nhưng mình vẫn lo. Bởi gia đình có tới hai con nhỏ, mình nhiễm cúm đã đành, con mà nhiễm thì không biết nguy cơ như thế nào. Nên dù bác sĩ đã chẩn đoán viêm amidan, mình vẫn xin bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm loại trừ cho yên tâm. Tối hôm chưa có kết quả xét nghiệm, mình cũng phải chui ra khách sạn ngủ, không dám về nhà”, chị Minh nói.

Theo bác sĩ khoa Khám bệnh (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ), rất nhiều người đến khám nghi ngờ cúm có tâm lý lo lắng như trên. Nhưng thực tế số ca khẳng định cúm A/H1N1 chỉ 4 – 5 ca/ngày trong tổng số hơn 100 bệnh nhân đến khám vì nghi ngờ cúm.

Không bất thường

Trước sự xuất hiện của nhiều chùm ca cúm A/H1N1, các ca bệnh cảnh nặng khiến bệnh nhân tử vong khiến nhiều người dân lo lắng, cho rằng có sự biến đổi của vi rút cúm A/H1N1 gây bệnh cảnh nặng hơn.

Thực tế, các ca nhiễm cúm A/H1N1 đang có xu hướng tăng lên. TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, theo kết quả báo cáo giám sát cúm 5 tuần gầy đây nhất thì cúm A/H1N1 được phát hiện nhiều nhất trong tổng số mẫu dương tính với cúm.
 
Rất nhiều người dân có ý thức đeo khẩu trang phòng cúm khi đến viện. Ảnh: H.Hải
Rất nhiều người dân có ý thức đeo khẩu trang phòng cúm khi đến viện. Ảnh: H.Hải

Cụ thể, tuần 12 cúm A/H1N1 chiếm tỉ lệ 44,5%, tuần 14 tỉ lệ là là 53,4%, tuần 15 là 70,6%, tuần 16 gần đây nhất là 54,5%. Còn cúm A/H3N2 có xu hướng ở tuần 14 chiếm tỉ lệ là 33%, tuần 15 là 23,5%, tuần 16 tăng lên 36,4%. Trong khi đó cúm B giảm rõ rệt, chiếm 30% ở tuần 13 và đến tuần 16 thì không có mẫu nào dương tính với cúm B.

“Điều này nói lên rằng, gia đình cúm mùa nó cứ thay nhau luôn chuyển, phân tuýp này trội nên, tuýp khác lại giảm đi. Vì thế, sự tăng lên của cúm A/H1N1 lúc này cũng không có gì là bất thường”, TS Dương nói.

Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, sự gia tăng của cúm A/H1N1 trong thời điểm này là bình thường. “Cúm A/H1N1 đã được xếp vào gia đình cúm mùa. Có những thời điểm, như 2011 tỉ lệ dương tính cúm này là gần 70%, năm 2012 xuống còn dưới 5% và năm 2013 dao động 40 – 60%. Đây là sự phân bổ bình thường của các chủng cúm. Hơn nữa, cúm A/H1N1 dù lây từ người sang người nhưng diễn biến lâm sàng là nhẹ. Vì thế người dân không nên quá hoang mang. Tuy vậy cũng  không nên chủ quan vì dù bất cứ chủng cúm nào cũng đều có nguy cơ tử vong”, TS Long khuyến cáo.

Kết quả giám sát 395 mẫu bệnh phẩm nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng cho thấy vi rút cúm gây ra là 9,4% trường hợp. Cụ thể, cúm B chiếm tới 40,6% số ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng. Cúm A/H3N2 gây 27%, cúm A.H1N1 là trên 30%.

“Như vậy, tất cả cúm mùa đang lưu hành hiện nay đều có khả năng gây cúm nặng, tử vong, trong đó cúm B thậm chí còn gây nhiều hơn các cúm còn lại. Vì thế, dù với bất kỳ chủng cúm nào, chúng ta không quá hoang mang cũng không nên chủ quan”, TS Dương nói.

Theo TS Nguyễn Văn Kính cúm A/H1N1 cũng giống như các chủng cúm mùa khác, có tỉ lệ tử vong nhất định. Tuy nhiên đến 98% là diễn biến nhẹ và tự khỏi. Vì thế, người dân cũng không nên quá hoang mang, lo lắng trước những thông tin dịch cúm mà đổ xô đi khám, đòi xét nghiệm. Khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám để được tư vấn tốt nhất, không nhất thiết đòi xét nghiệm. Bác sĩ sẽ căn cứ vào yếu tố dịch tế, biểu hiện bệnh để đưa ra lời khuyên tốt nhất. “Thực tế cả hơn trăm ca nghi cúm đến khám một ngày nhưng số dương tính với cúm A/H1N1 chỉ khoảng 4 – 5 ca/ngày”, TS Kính nói. 

Có nên tiêm vắc xin phòng cúm?

Theo TS Kính, hiện trong gia đình cúm mùa có rất nhiều chủng cúm đang lưu hành, từ cúm B, cúm A/H3N2, cúm A/H1N1… mà cúm nào cũng có tỉ lệ diễn tiến nặng dù thấp. Vì thế, nếu có điều kiện, để dự phòng cúm mùa tốt nhất nên tiêm vắc xin để chủ động phòng bệnh. Ngoài ra, cúm là bệnh lây qua đường hô hấp nên phương pháp phòng cúm quan trọng đầu tiên phải rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế tiếp xúc người nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Thứ ba là thường xuyên mở cửa thông thoáng phòng, lau chùi đồ vật, dụng cụ bằng các nước sát khuẩn thông thường, tăng cường nâng cao thể trạng bằng hoạt động thể dục thể thao. Khi tiếp xúc nơi đông người, nơi xảy ra dịch, với người mắc bệnh hô hấp cấp tính nên đeo khẩu trang.


Tú Anh