1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gần 50% bệnh nhân cúm là do vi rút H1N1

(Dân trí) - Theo TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, kết quả giám sát hội chứng cúm 4 tháng đầu năm 2013 cho thấy, cúm A/H1N1 đang lưu hành rất phổ biến với tỉ lệ nhiễm là 48%. Trong khi tỉ lệ nhiễm cúm A/H1N1 năm trước chỉ chiếm 5-7%.

Cúm A/H1N1 đang quay trở lại, lây lan rộng, chiếm 48% trong các chủng cúm. Ảnh minh họa: T.C
Cúm A/H1N1 đang quay trở lại, lây lan rộng, chiếm 48% trong các chủng cúm. Ảnh minh họa: T.C
 
Chủng A/H1N1 đang lây lan mạnh mẽ trong trường học trong đó, trường THPT Dân tộc Nội trú Lào Cao là trường đầu tiên ghi nhận chùm ca cúm A/H1N1 và có tình trạng lây chéo khiến nhiều học sinh đã phải nghỉ, trong đó 37 em học sinh có biểu hiện cúm. Kết quả xét nghiệm 3 mẫu bệnh phẩm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xác định các học sinh này nhiễm cúm A/H1N1. Hiện các bệnh nhân này đang được cách ly, điều trị tại chỗ và nhiều em đã hết biểu hiện cúm.

Trước đó, tại Yên Bái và Thanh Hóa cũng ghi nhận chùm ca cúm A/H1N1, trong đó, hai trường hợp tử vong. Cụ thể, trường hợp nam thanh niên 23 tuổi tại Yên Bái đã tử vong sau hơn 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Người nhà bệnh nhân này cũng lây cúm nhưng diễn tiến bệnh nhẹ và cũng đã khỏi bệnh. Chùm ca bệnh ở Thanh Hóa là do một người anh từ Hà Nội mắc cúm về thăm, lây cho nhiều thành viên trong gia đình, các ca lây đều biểu hiện nhẹ, chỉ riêng bé gái 13 tuổi diễn tiến nặng lên, suy hô hấp, viêm phổi và cũng đã tử vong. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi này khẳng định dương tính với cúm A/H1N1.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua cũng tiếp nhận thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 với biểu hiện nặng, viêm phổi, suy hô hấp. Đáng nói, cả hai gia đình của bệnh nhân này đều có nhiều người có biểu hiện cúm nên các bác sĩ nhận định đây cũng có thể coi là hai chùm ca bệnh. Các ca nhiễm cúm đều diễn tiến nhẹ và tự khỏi, chỉ hai trường hợp nặng phải nhập viện.

Theo TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Kết quả giám sát hội chứng cúm 4 tháng đầu năm 2013 cho thấy, cúm A/H1N1 đang lưu hành rất phổ biến với tỉ lệ nhiễm là 48%. Trong khi đó, năm 2012, tỉ lệ nhiễm cúm A/H1N1 rất thấp, chỉ 5 – 7% trong tổng số mẫu được giám sát.

"Các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa có sự biến đổi về độc lực theo hướng mạnh lên của chủng cúm  này. Còn việc có những người trẻ, khỏe nhưng vẫn có thể tử vong là vì đây là những người có cơ địa mẫn cảm nên khi bị bệnh bệnh dễ tiến triển nhanh, gây suy hô hấp, suy đa phủ tạng và tử vong", tiến sĩ Dương nói. 

 Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, sau đại dịch cúm A/H1N1, đến nay, chủng cúm này vẫn xuất hiện và lưu hành như một vi rút cúm mùa.  Do đó, việc có bệnh nhân mắc cúm này là đương nhiên.

Tuy nhiên, vi rút cúm A/H1N1 có đặc tính lây lan nhanh nhưng không gây tử vong cao. Trong khi đó, vi rút cúm H5N1, H7N9 gây tử vong cao, nếu các chủng vi rút này tái tổ hợp sẽ tạo ra một loại vi rút mới vừa có đặc tính lây lan nhanh lại gây tử vong cao thì cực kỳ nguy hiểm.

PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Cúm A/H1N1 đến hơn 90% là biểu hiện nhẹ, chỉ  có một tỉ lệ rất nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên. Tuy nhiên không vì thế mà người dân chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly để tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh. Khi có biểu hiện nặng lên cần đi khám để được điều trị. Thực tế, các ca cúm A/H1N1 biến chứng nặng đều do đến viện quá muộn, mất đi “thời gian vàng” dùng Tamiflu là 3 ngày đầu khi có biểu hiện bệnh để ức chế sự nhân lên của vi rút trong cơ thể, giảm lượng vi rút trong cơ thể, làm bệnh diễn biến nhẹ hơn”.

Tú Anh