1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đỏ con mắt tìm chất tẩy rửa không mùi

Nạn nhân của lạm phát mùi hương trong chất tẩy rửa hiện nay có thể không ai khác là trẻ em, bởi trẻ thường bị bố mẹ áp đặt sử dụng mùi mà bố mẹ ưa thích!

Chất tẩy rửa không mùi phải mua ở nhà thuốc tây.

Chất tẩy rửa không mùi phải mua ở nhà thuốc tây.

 

Gần một tháng nay, đứa con gái 8 tháng tuổi của chị Ngọc ngủ không ngon, hay giật mình khi ngủ và quấy khóc. Cuối cùng, chị Ngọc cho rằng nguyên nhân là cháu không chịu nổi mùi của loại nước xả vải mà chị giặt xả chăn mền, quần áo cho bé. Khi chị không dùng loại nước xả này nữa thì bé đã ngủ yên giấc.

 

Tại người tiêu dùng thích mùi?

 

Từ thực tế của chị Ngọc, khảo sát thị trường cho thấy hầu hết các sản phẩm tẩy rửa dùng cho gia đình đang bán ở các cửa hàng, siêu thị đều là những chất có mùi. Xu hướng các sản phẩm tẩy rửa có hương liệu đang chi phối cả người dùng lẫn nhà sản xuất. “Gia đình chị tôi thường xuyên dùng nước xả vải, sau khi giặt xong chị đều nhúng qua nước xả từ quần áo cho đến giẻ lau nhà... Lắm lúc, mùi hương từ nước xả xộc lên mũi khiến tôi choáng váng”, anh Thanh có chị gái nhà ở quận 10 nói.

 

Với những người sành điệu, khổ nhất là phải đối phó với việc một mùi hương tinh tế của chai nước hoa trị giá hàng triệu đồng lại bị mùi thơm rẻ tiền của chai sữa tắm hoặc nước xả vải mấy chục ngàn lấn át. “Dự định dùng một loại nước hoa đắt tiền cho thêm phần quyến rũ nhưng khổ nỗi mùi hương từ bột giặt vẫn còn bám trên váy nên chẳng dám dùng nước hoa nữa; tôi đành phải nhịn “thơm” mà chấp nhận mùi hương của đám đông”, chị Lan Hoa, một người tiêu dùng ở quận 3 tâm sự.

 

Coi chừng hỏng khứu giác

 

Ông Nguyễn Nam Vinh, chủ nhiệm hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (văn phòng phía nam), vốn là kỹ sư hoá nhận định: “Hiện đang có một sự lạm dụng về nhu cầu sử dụng mùi trong các loại chất tẩy rửa dùng trong gia đình. Chúng “lạm phát” đến mức không cho người tiêu dùng được quyền lựa chọn hoặc từ chối khi có nhu cầu sử dụng sản phẩm không mùi”.

 

Tiến sĩ hoá Huỳnh Kỳ Trân, chủ tịch hội đồng quản trị công ty TNHH SX mỹ phẩm Lan Hảo nhận xét: “Người lớn còn có thể chủ động lựa chọn được hương phù hợp với mình hoặc tránh xa mùi mà mình cảm thấy khó chịu nhưng trẻ em không thể. Trong khi đó, nếu buộc phải chịu đựng một mùi hương mà trẻ không thích một thời gian dài sẽ dễ khiến trẻ bị ức chế, ảnh hưởng đến thần kinh...”.

 

Ông Nguyễn Nam Vinh cũng lưu ý: đừng ép trẻ phải tiếp xúc thụ động với những loại mùi hương có trong các sản phẩm gia đình vì có khi sẽ làm hỏng khứu giác của trẻ.

 

Có nhiều người đã ý thức được tác hại của mùi hương đối với trẻ em. Họ chấp nhận chọn dùng những loại chất tẩy rửa, sữa tắm không hoặc ít mùi dù phải mua với giá cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên để mua được các loại này phải tìm “đỏ con mắt” vì chúng chỉ được bán ở một vài địa chỉ trên mạng hoặc ở các nhà thuốc. Theo anh Thanh Tùng – nhà ở quận 7, nhà có bé nhỏ chưa đầy năm nên gia đình luôn cẩn thận tìm mua sữa tắm không mùi để tắm cho bé. Nhưng loại này chỉ bán ở tiệm thuốc tây và giá tương đối cao, trên 200.000 đồng/chai.

 

Theo Ngọc Hoài

Sài Gòn tiếp thị