Dinh dưỡng nâng cao đề kháng trong mùa dịch cho bệnh nhân ung thư

Tú Anh

(Dân trí) - Người bệnh ung thư cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng nhằm đáp ứng các đợt điều trị. Trong mùa dịch Covid-19, dinh dưỡng càng cần phải chú trọng để nâng cao sức đề kháng.

GS.TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K cho biết, dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư.

Ung thư là một bệnh mãn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh.

Dinh dưỡng nâng cao đề kháng trong mùa dịch cho bệnh nhân ung thư - 1

Do vậy hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư với ý nghĩa hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.

Cùng với đó các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, sửa chữa, phục hồi và điều trị bệnh.

Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh ung thư, do đó bệnh nhân ung thư nên đến gặp bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả.

Ưu tiên hàng đầu trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư là phải cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho các tế bào lành, từ đó tăng cường sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể để chống chọi lại bệnh tật.

Kiêng khem một cách cực đoan khi mắc ung thư vì sợ sẽ "vỗ béo" tế bào ung thư, khiến bệnh tiến triển nhanh hơn là sai lầm mà nhiều bệnh nhân ung thư mắc phải. Cần nhớ rằng, bên cạnh các tế bào ung thư, một phần lớn cơ thể người bệnh vẫn là tế bào khỏe mạnh. Chính vì vậy điều cần ưu tiên hàng đầu trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư phải là cung cấp đủ dưỡng chất cho các tế bào này, từ đó tăng cường sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể để chống chọi lại bệnh tật.

Vì thế, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cần đảm bảo đầy đủ nhất, giúp nâng cao thể trạng người bệnh để chiến đấu với bệnh tật. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19, ăn uống nâng cao sức đề kháng vô cùng quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Lựa chọn thực phẩm lành mạnh

Cần hạn chế ăn (không loại bỏ hoàn toàn) những loại thức ăn có quá nhiều dầu mỡ, đặc biệt là mỡ động vật, bởi bệnh nhân ung thư vốn dĩ sức khỏe, hệ miễn dịch đã kém, việc nạp nhiều chất béo vào cơ thể sẽ dễ gây ra một loạt các bệnh lý kèm theo như rối loạn mỡ máu, tiểu đường.

Nên hạn chế các loại thịt đỏ (thịt bò, lợn), thay thế bằng thịt gia cầm, thịt cá, nguồn đạm từ thực vật. Trong trường hợp ăn thịt gia súc thì nên ưu tiên chọn phần thịt thăn.

Chọn cách chế biến tốt cho sức khỏe

Bệnh nhân ung thư cần giảm tối đa, nếu được thì loại bỏ hoàn toàn khỏi khẩu phần ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn như: lạp sườn, xúc xích, thịt nguội, thịt hun khói. Trên thực tế, ngay cả với những người bình thường, đây cũng là các món ăn không tốt cho sức khỏe và nên hạn chế. Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư cũng nên giảm lượng muối, thức ăn chua như dưa, cà muối trong khẩu phần ăn.

Trong chế biến món ăn hàng ngày, cũng cần hạn chế món nướng, xào nhiều dầu mỡ. Nên chế biến thức ăn mềm, loãng giúp dễ tiêu hóa.

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cần hạn chế ăn đường, đồ uống có nhiều đường

Ăn nhiều rau xanh, trái cây

Bệnh nhân ung thư nên ăn nhiều các loại rau quả để tăng cường vitamin và khoáng chất. Bên cạnh rau quả thì có thể tăng cường thêm bằng thực phẩm chức năng, vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin B: Kích thích sự thèm ăn và cảm giác ngon miệng, hỗ trợ tiêu hóa; vitamin A, C, E: Chống oxy hóa và tăng cường hệ miễn dịch.

Dinh dưỡng nâng cao đề kháng trong mùa dịch cho bệnh nhân ung thư - 2

Trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc duy trì mỗi ngày một cốc nước trái cây rất tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng. Nhưng để hạn chế lượng đường nạp vào, có thể kết hợp các loại trái cây để ép, giữa trái cây vị chua và ngọt, đặc biệt nước ép bưởi, ổi... giàu vitamin C rất tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, thực hiện khuyến cáo phòng dịch, hạn chế đến nơi đông người.