Dinh dưỡng đúng cách giúp hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân ung thư

Theo các chuyên gia ung thư, điều trị bệnh ung thư là điều trị đa mô thức, có sự kết hợp chặt chẽ của phẫu thuật, hóa chất và xạ trị. Dinh dưỡng là vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Chia sẻ tại chương trình truyền hình trực tuyến "Giải pháp hồi phục sức khỏe sau hóa, xạ trị cho bệnh nhân ung thư" do Báo Sức khỏe và Đời sống - Cơ quan Ngôn luận của Bộ Y tế tổ chức, ThS.BSCK II Nguyễn Thị Hương Giang- Trưởng khoa Nội 3 (Khoa điều trị Ung thư tiêu hóa trên và hệ tiết niệu) - Bệnh Viện K cho biết, ung thư vẫn luôn là mối quan tâm trên toàn cầu, theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng.

Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Trong khi đó  hiện nay, tình hình dịch COVID-19 có diễn biễn phức tạp, người bệnh ung thư không chỉ đối mặt về căn bệnh của mình mắc còn phải đối mặt với nguy cơ mắc COVID-19.

Hóa trị trong điều trị ung thư - Những hiệu quả và tác dụng không mong muốn

Chia sẻ về các phương pháp điều trị ung thư, theo ThS.BSCK II Nguyễn Thị Hương Giang, hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư ở Việt Nam gần như đã tiếp cận rất tốt so với thế giới, như các phương pháp hóa trị, xạ trị, tiếp cận hiện đại... 

Khái niệm hóa trị ngày nay được hiểu một cách mở rộng hơn là điều trị nội khoa ung thư, bao gồm hóa trị, các điều trị đích... Riêng với điều trị ung thư, quan điểm điều trị là điều trị đa mô thức, phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hài hòa, nhuần nhuyễn... khi nào thì xạ trước, trị trước hay phẫu trước tùy theo từng trường hợp bệnh và loại bệnh - chuyên gia ung thư nói. 

Điều trị hóa và tia xạ khá hiệu quả trong điều trị bệnh ung thư nói chung, nhưng đồng thời cũng mang lại những tác dụng phụ. Bởi bản chất của nó là tiêu diệt tế bào ung thư, cũng có nghĩa diệt các tế bào lành, gây ra những tác dụng phụ cho cơ thể.

Dinh dưỡng đúng cách giúp hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân ung thư - 1

ThS.BSCK II Nguyễn Thị Hương Giang- Trưởng khoa Nội 3 (Khoa điều trị Ung thư tiêu hóa trên và hệ tiết niệu) - Bệnh Viện K.

Nói về các tác dụng không mong muốn, chuyên gia ung thư chỉ ra rằng, những tác dụng phụ như ngộ độc cấp, là nôn, tiêu chảy, rụng tóc.... có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, chấm dứt sau đó... tùy theo thể trạng của người bệnh. Tuy nhiên, có những tác dụng phụ không hết, ảnh hưởng tới sức khỏe nên người bệnh phải nói rõ cho bác sĩ về thông tin bệnh của mình trước, trong và sau khi điều trị bệnh để bác sĩ nắm rõ và đưa ra phác đồ điều trị đúng nhất.

Còn những tác dụng phụ thông thường sau khi hóa - xạ trị là viêm da, khô da, tiêu chảy, rụng tóc.... Những tác dụng phụ lâu dài cần lưu ý là những tác động lên tủy xương..., do đó, chúng ta cần lưu một bộ hồ sơ về tình trạng sức khỏe của mình để các bác sĩ nắm rõ, chuyên gia ung thư khuyến cáo. 

Bữa ăn đúng cách giúp bệnh nhân ung thư nhanh hồi phục

Chia sẻ về giải pháp hồi phục sức khỏe sau hóa, xạ trị cho bệnh nhân ung thư, PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, mọi tác dụng phụ gây ra trong quá trình điều trị hóa - xạ trị là do tiêu diệt tế bào ung thư cũng gây diệt tế bào lành dẫn đến suy giảm chức năng các cơ quan trong cơ thể, chính vì thế bệnh nhân ung thư ngoài tinh thần bước vào liệu trình điều trị thì phải có một chiến lược dinh dưỡng đúng. 

Dinh dưỡng đúng cách giúp hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân ung thư - 2

PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Trong chế độ ăn của người bệnh ung thư, điều quan trọng đầu tiên là cung cấp đủ năng lượng. Nhiều người bị mắc bệnh ung thư thường có xu hướng sụt cân, do đó cần phải cố gắng duy trì được cân nặng. Ngoài ra, chú ý cung cấp đủ nước, lựa chọn những thực phẩm đa dạng, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, sức khỏe.

Bữa ăn của người bệnh ung thư cần cung cấp đủ chất đạm vì khi tế bào ung thư tế bào lành, nó sẽ nhân lên vô hạn độ, sử dụng protein trong cơ thể, hay còn gọi là chất đạm, làm thâm hụt protein trong cơ thể.

Người nhà chăm sóc phải biết lựa chọn những chất đạm giá trị, đến từ protein từ trứng, sữa, cá, thịt trắng (thịt vịt, thịt gà,... rồi mới đến thịt bò). Trong thịt đỏ có nhiều protein nhưng đồng thời cũng có sắt, khiến tế bào ung thư tăng lên nhanh... Bên cạnh đó, những bệnh nhân ung thư cũng nên chọn những thực phẩm giàu chất oxy hóa, có rất nhiều trong rau xanh và quả chín...

Ngoài ra, người bệnh không muốn ăn nên có thể cắt nhỏ, xay ra, ép lấy nước, nghiền... tùy theo khẩu vị của mỗi người... 

"Sự chuẩn bị đó chúng ta có thể nghĩ rằng khi một người bệnh quá gầy, thì phải tăng cân để có đủ dinh dưỡng. Khi hóa - xạ trị, những thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng chưa hợp lý phải thay đổi nhằm tăng các tế bào lành, tăng sức khỏe cho bản thân.... Không được thức khuya, hút thuốc, uống rượu bia... Những bệnh nhân ung thư về đường tiêu hóa thì phải có chế độ ăn phù hợp, ăn những thực phẩm lành mạnh, dễ tiêu, dễ nuốt..." - chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm