Sau 3 năm, khối u trong khoang miệng hóa ung thư ăn mòn xương
(Dân trí) - Phát hiện có khối u trong miệng đã 3 năm, tuy nhiên cô giáo 44 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội chủ quan không đi khám. Đến lúc u phát triển to, nuốt vướng thì khối u đã hóa ung thư.
Các bác sĩ khoa Ngoại Đầu Cổ, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa phẫu thuật thành công cho cô giáo có khối u trong miệng khá hiếm gặp.
Bệnh nhân là cô giáo Đ.T.N. Cô phát hiện có khối u trong miệng đã 3 năm nhưng chủ quan không đi khám. Đến khi khối u phát triển chiếm đến gần 2/3 vòm miệng gây nuốt vướng, buồn nôn, ảnh hưởng đến giọng nói, cô mới đến khám tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u tuyến nước bọt phụ có khả năng ung thư hóa cần phẫu thuật sớm.
Khối u sinh mạch máu nhiều, nhẵn, to như quả táo, kích thước 3x3,5cm, ngay sát chân răng số 8 bên phải, không di động. Kết quả chụp CT cho thấy khối u đã ăn mòn xương khẩu cái cứng, lan một phần vào sàn mũi.
Ca phẫu thuật diễn ra khá phức tạp do phải tạo hình trong khoang miệng hẹp sâu có cả ống thở, khối u xâm lấn vào sàn mũi, động mạch khẩu cái lớn gây chảy máu nhiều, khó cầm máu dù đã sử dụng dao laser. Nếu sử dụng dao thường có thể gây chảy máu ồ ạt.
Hậu phẫu sau mổ cũng gặp nhiều khó khăn do khoang miệng có nhiều vi khuẩn nếu không vệ sinh tốt dễ gây ra nhiễm trùng, nước bọt làm tiêu chỉ khâu, dẫn tới khả năng bục vết mổ.
Đặc biệt, sau khi khối u được lấy ra toàn bộ đã để lại một khuyết hổng lớn chiếm 2/3 vòm miệng. Tổ chức khối u chắc, niêm mạc vùng khẩu cái không chun giãn, nền khối u dễ rách không thể kéo ra để lấp vùng khuyết hổng. Các bác sĩ phải tạo hình bằng cách cắt toàn bộ lưỡi gà phần khẩu cái mềm tạo vạt che nhằm cầm máu và khuyết hổng không bị thông thương miệng mũi.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt. Do tạo hình che phủ khuyết hổng nên các chức năng nói được đảm bảo (không bị giọng mũi hở), ăn không bị sặc, không biến dạng hàm mặt ảnh hưởng thẩm mỹ.
TS.BS Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại Đầu Cổ, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết u tuyến nước bọt chủ yếu gặp là tuyến mang tai chiếm 80-90% và tuyến dưới hàm hầu hết là u tuyến lành tính. Điều trị u tuyến nước bọt chủ yếu bằng phẫu thuật. Tuyến nước bọt phụ như tuyến dưới lưỡi, vùng khoang miệng ít gặp (chỉ chiếm khoảng 10%).
Tuy nhiên, u tuyến nước bọt phụ có tỷ lệ ung thư hóa khá cao (chiếm từ 70 đến 80%). Như trường hợp chị N, kết quả giải phẫu khối u sau mổ xác định là ung thư.
TS Nghĩa khuyến cáo, nếu người bệnh phát hiện có u tuyến nước bọt phụ kích thước hơn 5mm nên được phẫu thuật và điều trị sớm, tránh các nguy cơ ung thư hóa gây xâm lấn phá hủy xương. Khối u càng to, việc phẫu thuật càng khó khăn.
Nếu không được chẩn đoán điều trị kịp thời, khối u ở vùng vòm miệng xâm lấn thường gây chảy máu ồ ạt, xâm lấn mũi miệng rộng, bệnh nhân bị ảnh hưởng đến giọng nói, ăn uống. Điều trị sớm bệnh nhân sẽ có khả năng khỏi bệnh cao, không bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc tính mạng.
Vì vậy, nếu người dân phát hiện khối u bất thường vùng đầu cổ nhất là khoang miệng hãy đi khám chuyên khoa ung bướu sớm để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất.
Hà An