Điều trị hiệu quả bệnh hô hấp ở trẻ em lúc giao mùa

(Dân trí) - Mới đầu mùa thu đông, số trẻ nhập viện vì các bệnh hô hấp như cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi... đã lên gần 100 ngàn trẻ/tháng tại mỗi bệnh viện nhi tuyến trung ương. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng khi môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng và thời tiết diễn biến phức tạp.

Những con số báo động

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: Bệnh đường hô hấp gây ra 10 triệu ca tử vong hàng năm, trong đó có tới 4 triệu ca ở trẻ em và thuộc top 5 bệnh gây tử vong nhiều nhất. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, ô nhiễm không khí là hiểm họa hàng đầu đe dọa sức khỏe con người, thúc đẩy gia tăng bệnh đường hô hấp ở trẻ em.

Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có chỉ số ô nhiễm nhất thế giới, kéo theo bệnh hô hấp có tỉ lệ mắc cao nhất 17,3% trong cơ cấu bệnh tật và tỷ lệ tử vong lên đến 17%.

Điều trị hiệu quả bệnh hô hấp ở trẻ em lúc giao mùa - 1

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Phó Khoa Nhi BVĐK Tâm Anh, Hà Nội đang khám hô hấp cho bệnh nhi.

Theo thống kê, số trẻ mắc bệnh hô hấp đến khám và nhập viện tại các bệnh viện đang tăng nhanh và nhiều hơn cùng kỳ năm trước. BS CKII Phạm Thanh Xuân – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết: Bệnh nhi khám và điều trị bệnh lý hô hấp tại Bệnh viện Tâm Anh gần đây đã tăng đột biến, số lượng lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Sự gia tăng này được cho là hậu quả của việc thời điểm giao mùa năm nay trùng với tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao, chỉ số bụi mịn ở nhiều khu vực ở mức cảnh báo nguy hiểm.

Chủ quan triệu chứng thông thường và nguy cơ biến chứng khó lường

Với hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh và sức đề kháng còn yếu, trẻ em dễ mắc các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, bạch hầu, viêm tiểu phế quản, viêm hô hấp cấp… Đồng thời, các bệnh này dễ tiến triển nhanh, gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não - màng não do vi khuẩn đã đi vào máu… hết sức nguy hiểm.

Ước tính, mỗi trẻ dưới 5 tuổi có thể bị các vấn đề về đường hô hấp từ 5 - 8 lần/năm.

Với những triệu chứng như sốt kéo dài, ho, hắt hơi, sổ mũi, thở khò khè, sốt…, nhiều bố mẹ chủ quan cho rằng chỉ là những triệu chứng thông thường hoặc cảm cúm nên có xu hướng chăm sóc con tại nhà. Tuy nhiên, thực tế cho thấy 25% trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính sẽ diễn tiến thành viêm phổi, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ tiến triển thành viêm phổi nặng, kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Phó Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, nguy hiểm còn ở chỗ, nhiều bố mẹ tự chẩn đoán và điều trị cho con bằng các bài thuốc dân gian, thậm chí tự dùng kháng sinh cho con hoặc áp dụng các đơn thuốc của bệnh nhi khác, đôi khi là thông tin từ những nguồn tin trôi nổi, không có căn cứ khoa học. Do vậy, thống kê mới đây cho thấy, gần 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng kháng sinh là do sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định về chủng loại, liều lượng... Điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh sau này khi mắc phải, thậm chí nhiều trường hợp không còn cơ hội điều trị, rất đáng tiếc.

Tình trạng quá tải ở các bệnh viện nhi khi tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhi điều trị nội trú bệnh hô hấp tăng vọt khiến khả năng lây nhiễm chéo tăng cao, gây nhiều diễn biến phức tạp trong quá trình điều trị.

Phòng và điều trị hiệu quả bệnh hô hấp ở trẻ em không quá khó

Theo các chuyên gia, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh tăng cao nhưng nếu cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có những kiến thức khoa học và chủ động đưa trẻ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế chuyên khoa thì sẽ hạn chế được các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị hiệu quả bệnh hô hấp ở trẻ em lúc giao mùa - 2

Theo BS CKII Phạm Thanh Xuân, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường về đường hô hấp như chảy nước mũi, ho khan hoặc có đờm, sốt..., bố mẹ cần chăm sóc trẻ bằng các biện pháp khoa học như giữ ấm cho trẻ, vệ sinh mũi, họng trẻ bằng nước muối sinh lý (nước muối nồng độ 0,9%), dùng máy/dụng cụ hút mũi để làm sạch dịch nhầy và thông thoáng đường thở, chọn thức ăn dễ tiêu hóa và đủ dinh dưỡng, tránh để trẻ tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá...

Khi thấy trẻ có các biểu hiện tăng nặng như sốt cao, khó hạ sốt, khó thở, thở khò khè, thở nhanh… cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị hiệu quả bệnh hô hấp ở trẻ em lúc giao mùa - 3

Bên cạnh đó, trẻ cần được tạo môi trường sống trong lành, hạn chế tối đa nguồn ô nhiễm từ khói bụi, khói thuốc lá, hoá chất độc hại; có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng và phát triển khỏe mạnh. Đặc biệt, phụ huynh cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin như vắc xin phòng bệnh cúm, bạch hầu, vắc xin phòng phế cầu khuẩn… giúp trẻ tạo kháng thể chống lại các bệnh về hô hấp từ bên trong cơ thể.

Nhằm cung cấp những thông tin khoa học về cách phòng tránh, điều trị đúng cách bệnh hô hấp ở trẻ, Báo điện tử VTV phối hợp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội thực hiện Chương trình giao lưu trực tuyến PHÒNG BỆNH HÔ HẤP Ở TRẺ LÚC GIAO MÙA & ĐIỀU TRỊ ĐÚNG CÁCH.

Chương trình diễn ra lúc 20h ngày 15/11/2019 trên Báo điện tử VTV và livestream trên các trang Fanpage: Thời sự VTV, Trung tâm tin tức VTV24, Báo điện tử VTV News và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Độc giả có thể gửi câu hỏi qua email: suckhoe@vtv.vn và qua bình luận trên fanpage Bệnh viện đa khoa Tâm Anh: https://www.facebook.com/watch/?v=2177912759176411 được các chuyên gia tư vấn.