Điều trị dự phòng viêm gan virus B tái hoạt động trên bệnh nhân ung thư
(Dân trí) - Viêm gan virus B tái hoạt động trên bệnh nhân ung thư có thể làm nặng thêm tình trạng viêm gan, có thể gây suy gan cấp, thậm chí tử vong do suy gan, ảnh hưởng tới hiệu quả của điều trị ung thư.
Viêm gan virus B tái hoạt động là hiện tượng khá thường gặp ở bệnh nhân ung thư có điều trị ức chế miễn dịch và/hoặc hóa trị, với tỷ lệ dao động 41-53% trên người bệnh có viêm gan B mãn không hoạt động, và dao động 8-18% trên người bệnh có viêm gan B mãn đã hồi phục.
Theo Ths.Bs Lê Công Định, khoa Nội Tiêu hóa Theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, viêm gan virus B tái hoạt động trên người bệnh ung thư không những có thể làm nặng thêm tình trạng viêm gan, có thể gây suy gan cấp, thậm chí tử vong do suy gan mà còn gây ảnh hưởng tới hiệu quả của điều trị ung thư do phải điều chỉnh liều, thay đổi phác đồ, trì hoãn điều trị hoặc có thể phải dừng điều trị.
Diễn biến tự nhiên của viêm gan virus B tái hoạt động có thể được chia thành 5 giai đoạn:
- Giai đoạn một: Chỉ tăng nồng độ HBV, chưa có thay đổi trên xét nghiệm sinh hóa và/hoặc triệu chứng lâm sàng.
- Giai đoạn 2: Có triệu chứng trên xét nghiệm sinh hóa và/hoặc lâm sàng.
- Giai đoạn 3: Nguy cơ diễn biến nặng thành suy gan cấp.
- Giai đoạn 4: Hồi phục.
Phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục sau khi điều trị bằng thuốc kháng HBV và tạm ngừng tiếp xúc với yếu tố gây suy giảm miễn dịch và/hoặc hóa trị. Một số trường hợp cơ thể tự hồi phục mà không cần tới can thiệp điều trị.
Thời gian bắt đầu xuất hiện viêm gan virus B tái hoạt động thay đổi tùy theo trạng thái của từng cơ thể người bệnh, tình trạng nhiễm HBV, tình trạng ung thư đang mắc và loại tác nhân gây suy giảm miễn dịch. Viêm gan B tái hoạt động có thể xuất hiện sớm trong vòng 2 tuần đầu sau khi bắt đầu điều trị ức chế miễn dịch và/hoặc hóa trị hoặc xuất hiện sau nhiều tháng sau khi đã ngừng điều trị ức chế miễn dịch/hóa trị.
Một lưu ý là không phải tất cả trường hợp đều trải qua 4 giai đoạn kể trên. Một số bệnh nhân chỉ dừng lại ở giai đoạn một sau đó cơ thể tự hồi phục mà không có bất kỳ biến đổi vể xét nghiệm sinh hóa hay biểu hiện lâm sàng nào.
Vì thế, mục đích của điều trị dự phòng giảm nguy cơ viêm gan virus B tái hoạt động trên bệnh nhân ung thư có dùng thuốc ức chế miễn dịch và/hoặc hóa trị. Theo đó, bệnh nhân cần được sàng lọc, đánh giá nguy cơ và chỉ định điều trị thuốc kháng HBV theo từng nhóm nguy cơ.
Dựa trên các thông tin về tình trạng viêm gan virus B, phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và/hoặc hóa trị, bác sĩ sẽ phân loại người bệnh có nguy cơ viêm gan B tái hoạt động ở mức cao (10-20%) hay trung bình (1-10%) để điều trị dự phòng.
Nên bắt đầu dùng thuốc kháng HBV càng sớm càng tốt, trước ít nhất 2 tuần hoặc muộn nhất là khi bắt đầu cùng với khởi trị ức chế miễn dịch và/hoặc hóa trị.
Thời gian duy trì điều trị kéo dài 6-12 tháng sau kết thúc điều trị ức chế miễn dịch và/hoặc hóa trị (tùy trường hợp). Đối với ung thư biểu mô tế bào gan có HBsAg+, thuốc kháng HBV cần duy trì đến cuối đời.