1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Điều trị chứng giãn tĩnh mạch tinh như thế nào?

(Dân trí) - Giãn tĩnh mạch tinh là hiện tượng giãn các búi tĩnh mạch tinh hoàn do những bất thường của hệ thống van trong tĩnh mạch tinh gây ứ trệ dòng máu. Đây là 1 trong những nguyên nhân gây hiếm muộn con ở nam giới. Giãn tĩnh mạch tinh thường gặp ở bên trái.

Điều trị chứng giãn tĩnh mạch tinh như thế nào? - 1

Triệu chứng

Bệnh nhân có cảm giác nặng, tức vùng bìu bên trái, khi đứng hoạt động hoăc ngồi lâu, thường nặng hơn về chiều. Nên khám bệnh nhân ở tư thế đứng, có thể dễ dàng sờ thấy búi tĩnh mạch giãn ở phía trên và sau tinh hoàn, thường thấy tinh hoàn nhỏ hơn so với bên kia. Khi bệnh nhân làm động tác gắng sức, búi tĩnh mạch giãn rõ hơn.

Siêu âm Doppler màu cho phép đánh giá mức độ giãn búi tĩnh mạch. Trong trường hợp cần thiết phải làm siêu âm ổ bụng để loại trừ các khối u ổ bụng chèn ép.

Xét nghiệm tinh dịch đồ rất cần thiết giúp đánh giá ảnh hưởng của bệnh đối với chức năng sinh sản tinh trùng. Xét nghiệm tinh dịch đồ ở người bị giãn tĩnh mạch tinh hoàn có biểu hiện giảm độ di động của tinh trùng gặp trong 90% trường hợp và mật độ tinh trùng thấp dưới 20 triệu/ml ở khoảng 65% trường hợp.

Tác hại của giãn tĩnh mạch tinh

Sự tăng nhiệt độ là ảnh hưởng đầu tiên của bệnh giãn tĩnh mạch tinh hoàn lên chức năng tinh hoàn. Hiện tượng này gây giảm chức năng của tinh hoàn, ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh tinh.

Cơ chế bảo đảm sự điều hòa nhiệt độ ở tinh hoàn là da bìu có khả năng co giãn cao, sẽ giãn ra khi nóng; và búi tĩnh mạch tinh giúp làm nguội máu từ động mạch tới tinh hoàn. Tinh hoàn sẽ có nhiệt độ cao và không làm nguội máu động mạch được nữa khi tĩnh mạch tinh bị giãn.

Phương pháp điều trị

Phẫu thuật là phương pháp tốt nhất để điều trị bệnh giãn tĩnh mạch tinh. Các phương pháp phẫu thuật có cùng 1 nguyên tắc là cắt và thắt búi tĩnh mạch tinh ở phần cao sau phúc mạc. Có thể áp dụng mổ mở hoặc nội soi.

Sau mổ, khả năng sinh tinh và chất lượng cũng như số lượng tinh trùng cải thiện rõ rệt nhất là trong trường hợp mổ sớm. Từ 21% đến 55% bệnh nhân vô tinh trước mổ có thể có tinh trùng di động trở lại, và khoảng 25% trong số này có thể thụ thai tự nhiên. Khoảng 75% bệnh nhân bị loãng tinh trùng (< 1 triệu tinh trùng /ml) có tinh dịch đồ cải thiện hơn sau mổ, trong đó 38% hoàn toàn có khả năng được làm cha.

Trong vô sinh nam, việc sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như IUI, IVF, ICSI có thể giúp cho những người tinh trùng yếu có con. Tuy nhiên, phương pháp điều trị hiếm muộn do giãn tĩnh mạch tinh bằng phẫu thuật cũng đem lại hiệu quả đáng khích lệ với chi phí rẻ hơn nhiều so với chi phí thụ tinh trong ống nghiệm.

BS Lê Sĩ Trung

Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam