1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Điều tra dịch tễ “ổ dịch” lớn nhất Hà Nội

(Dân trí) - Sáng nay, Bộ Y tế đã cử 12 cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ xuống “ổ dịch” cúm A/H1N1 lớn nhất Hà Nội, nơi cách ly 160 thành viên đoàn thực tập trường CĐ Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch TPHCM lấy mẫu bệnh phẩm và điều tra dịch tễ.

BS Vũ Đình Thiểm, Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, ngoài lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ, cán bộ y tế còn phải điều tra thông tin cá nhân, hành trình ăn ở, tiếp xúc, những triệu chứng bất thường về sức khỏe… Tuy nhiên, quá trình điều tra dịch tễ rất khó khăn vì hành trình dài, thay đổi địa điểm liên tục nên các em không nhớ chính xác những nơi đã đi, những người đã tiếp xúc, ngày bắt đầu có dấu hiện cúm…

Cũng theo BS Thiểm, các mẫu bệnh phẩm này sau 2 ngày nữa sẽ có kết quả. Theo nhận định của các chuyên gia, có lẽ sẽ phát hiện thêm nhiều trường hợp dương tính cúm A/H1N1 tại ổ dịch này vì các bệnh nhân có sự tiếp xúc gần trong thời gian dài.

Được biết, hiện ở khu cách ly này, Sở Y tế Hà Nội đã bố trí 3 kíp trực/ngày, mỗi kíp có 2 bác sĩ chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của các thành viên trong đoàn.
 
Điều tra dịch tễ “ổ dịch” lớn nhất Hà Nội  - 1

Khu cách ly của BV Lào Cai, nơi có 6 bệnh nhân trong "ổ dịch" Đoàn du lịch trường CĐ  Văn hóa-Nghệ thuật-Du lịch (Ảnh: P.N.Triển)
 
Về thông tin 6 ca cúm A/H1N1 là người của đoàn đang được điều trị tại Lào Cai, Bác sỹ Trần Văn Lai, Giám đốc bệnh viện đa khoa số 1 tỉnh Lào Cai, cho biết các trường hợp này đều đang hồi phục nhanh. Ngoài 6 ca bệnh này, bệnh viện hiện đang cách ly, theo dõi 27 bệnh nhân khác nghi cúm A/H1N1. Đây là những người cùng đoàn (19 người) và còn lại là một người dân  sống ở trong tỉnh Lào Cai, tự nguyện đến xin cách ly, theo dõi điều trị.
 

 Ngày 13/8/2009, Việt Nam đã ghi nhận thêm 25 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam: 10 ca, miền Bắc: 10 ca, miền Trung: 2 ca, Tây Nguyên: 3 ca).

 

Như vậy, tính đến 17h00 ngày 13/8/2009, Việt Nam đã ghi nhận 1.300 trường hợp dương tính, 02 ca tử vong. Số bệnh nhân đã ra viện là 1001; 299 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.

TPHCM: TTTM đầu tiên có nhân viên nhiễm virus H1N1

 

2 ca cúm A/H1N1 đáng lưu ý nhất tại TPHCM trong ngày hôm nay là 1 người làm việc tại 1 cao ốc trung tâm thành phố, người thứ 2 là một sinh viên đang học quân sự.

 

Trường hợp thứ nhất là chị Đ.T.P.L, nhân viên thu ngân của trung tâm thương mại Parkson (35bis-45 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM), có kết quả dương tính với H1N1 sau khi nhập bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM 1 ngày. Tòa nhà đã được thực hiện sát khuẩn, khử trùng và toàn bộ nhân viên và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cúm  được theo dõi tình hình sức khỏe.

 

Còn tại trường ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, một sinh viên đã bị nhiễm cúm A/H1N1 khi tham gia học quân sự tại TT Giáo dục Quốc Phòng Quân khu 7. Hiện bệnh nhân đã được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Q.7, TPHCM và Trung tâm Y tế dự phòng Q.Bình Thạnh đã tiến hành công tác phun thuốc sát khuẩn, làm vệ sinh dịch tể toàn khu vực trường. Hôm nay (13/8), Ban giám hiệu trường đã mua 5.000 khẩu trang để phát cho toàn bộ các giảng viên, cán bộ công nhân viên và sinh viên cũng như khách đến trường liên hệ công tác.

 

Toàn bộ sinh viên được cho nghỉ học từ 13-18/8. Toàn bộ nhân viên, giảng viên, nhà trường phải đeo khẩu trang y tế khi làm việc. Đến ngày 19/8, khi trở lại trường sinh viên phải đeo khẩu trang y tế khi vào cổng.
 

Quảng Trị: 3/ 4 trường hợp bị nhiễm cúm A/H1N1 đã xuất viện

 

Theo thông tin từ Sở y tế tỉnh Quảng Trị cho biết 3/ 4 trường hợp bị nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn tính đến ngày 12/8/2009 đã được điều trị thành công, có thế sinh hoạt và công tác bình thường trở lại.

 

Sở Y tế Quảng Trị đã đề nghị các cơ quan ban ngành, các đoàn thể, các chủ tịch UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cúm A/H1N1 trong cộng đồng, công viên chức. Hạn chế cử cán bộ đến, công viên chức đến công tác tại các tỉnh đang có dịch cúm, hạn chế các cuộc họp không cần thiết để giảm nguy cơ lây nhiễm và phát tán mầm bệnh. Khi có dấu hiệu của mầm bệnh như: sốt, ho, đau vùng họng...phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và chữa trị kịp thời, cần hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. 
 

Chỉ đóng cửa trường học khi có chùm ca bệnh

“Vừa rồi Hà Nội đóng cửa tất cả các trường học trên địa bàn theo quyết định của Sở Giáo dục Hà Nội vì thấy tình hình dịch phức tạp. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm mà Bộ Y tế tổng hợp tại hai trường Ngô Thời Nhiệm và trường Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh), thì chỉ nên đóng cửa trường học khi có chùm ca bệnh cúm A/H1N1 trong một lớp của trường đó. Và chỉ đóng cửa nguyên trường học đó chứ không phải đóng cửa toàn bộ các trường”,  Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, nói.

Vì thế, Thứ trưởng đã chỉ đạo Tiểu ban tuyên truyền (Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người) cần gửi văn bản cụ thể sang Bộ GD & Đào tạo, đồng thời gửi tất Sở Giáo dục & Đào tạo các tỉnh để hướng dẫn chi tiết khi nào thì đóng cửa trường, khi nào thì mở cửa trường...

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đóng cửa trường học trong giai đoạn đầu của đại dịch có thể giúp làm giảm lây lan cúm A/H1N1 trong trường. Tuy nhiên, đóng cửa trường học không chắc chắn làm giảm lây truyền ở cộng đồng. Bởi học sinh cũng là một phần của cộng đồng. Được nghỉ học nhưng nhiều học sinh không ở nhà, mà có thể vẫn đi đây đó và nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 từ cộng đồng vẫn rất lớn.

H.Hải - N.Thanh - P.N.Triển