Điều ít biết về lực lượng truy tìm những "đòn đánh vô hình" của Covid-19
(Dân trí) - Nếu không được phát hiện và chặn đứng kịp thời, những đòn tấn công âm thầm của Covid-19 vào các cơ quan xung yếu như thận, gan sẽ trở thành "quả bom" nổ chậm với bệnh nhân.
Một bệnh nhân Covid-19 đang phải thở máy tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bất ngờ chuyển biến xấu. Ngay lập tức, lực lượng y tế tại khoa được huy động. Dựa trên triệu chứng lâm sàng và các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, bác sĩ chỉ định phương án cấp cứu.
Tuy nhiên, để có thể hoàn thiện phác đồ chăm sóc và điều trị trong những giai đoạn tiếp theo, cần phải xác định, đánh giá được các tổn thương nằm sâu bên trong cơ thể của bệnh nhân.
Truy tìm các vấn đề “vô hình” này, chính là nhiệm vụ đặc biệt của lực lượng đang trực chiến tại khoa Sinh hóa.
Truy tìm những "đòn đánh vô hình" của Covid-19
Tiếng chuông điện thoại của đường dây nóng khoa Sinh hóa bất chợt vang lên. Phía đầu dây bên kia, một cán bộ khoa Hồi sức tích cực thông báo nhanh về trường hợp bệnh nhân nặng cần phân tích gấp.
Nhận tin, 3 kỹ thuật viên thường trực lại bắt đầu một cuộc chạy đua nước rút, để có thể trả kết quả trong thời gian chỉ bằng một nửa so với bình thường.
Kỹ thuật viên Nguyễn Minh Hải, khoa Sinh hóa chia sẻ: “Chúng tôi đều y thức được rằng, với các ca Covid-19 nặng, thời gian là một trong những yếu tố mang tính quyết định. Mỗi phút kết quả phân tích bị chậm trễ, thì rủi ro về sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bệnh nhân lại càng tăng thêm. Do đó, các trường hợp này được ưu tiên hàng đầu trong công tác xét nghiệm”.
Khi xâm nhập vào cơ thể, SARS-CoV-2 có thể tấn công lên bất kỳ cơ quan nào. Có những tổn thương có thể quan sát thấy trên phim chụp X-quang, kết quả siêu âm. Tuy nhiên, cũng có không ít vấn đề ở cấp độ phân tử chỉ có thể phát hiện bằng các phương pháp phân tích chuyên sâu hơn.
Nhiệm vụ của KTV Hải và cộng sự là phân tích thành phần sinh hóa trong máu, nước tiểu hoặc các loại mẫu sinh phẩm khác, có thể phản ánh chức năng gan, thận, đường huyết, triệu chứng viêm... của bệnh nhân Covid-19. Đây là căn cứ quan trọng để đánh giá tình hình sức khỏe của bệnh nhân, cũng như xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với diễn biến của bệnh.
Sau gần 1 giờ đồng hồ, kết quả phân tích sinh hóa của bệnh nhân được cập nhật lên hệ thống, để bác sĩ lâm sàng có thể truy cập. Lúc này, các kỹ thuật viên xét nghiệm mới có thể thở phào. Tuy nhiên, trước mắt của họ vẫn là cả cuộc chiến dài hơi với Covid-19.
24/24h chạy đua với Covid-19
Trung bình, với mỗi bệnh nhân Covid-19, cứ 2-3 ngày lại được lấy mẫu bệnh phẩm để phân tích hóa sinh. Tuy nhiên, với những ca bệnh nặng, tần suất phân tích lại tăng lên gấp nhiều lần.
Chỉ tay về phía chiếc máy phân tích máu đa chỉ tiêu đang vận hành, KTV Hải chia sẻ: “Để đáp ứng kịp tiến độ, hệ thống máy phân tích của chúng tôi hoạt động xuyên ngày đêm. Lực lượng của chúng tôi tuy rất mỏng nhưng cũng phải chia ca để đảm bảo có thành viên trực chiến 24/24h”.
Giai đoạn cao điểm nhất của khoa Sinh hóa từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, chính là lúc Bệnh viện tiếp nhận 219 công dân Việt Nam trở về từ Ghi-nê Xích Đạo.
Anh phân tích: "Với đoàn công dân này, chúng tôi không chỉ đơn thuần làm các xét nghiệm thường quy với bệnh nhân Covid-19, bởi có nhiều trường hợp đã bị đồng nhiễm sốt rét nên phải mở rộng danh sách các chỉ tiêu cần xét nghiệm".
"Báo động đỏ" ngay giữa đêm là chuyện cơm bữa
“Báo động đỏ” ngay giữa đêm là chuyện xảy ra như cơm bữa tại khoa Sinh hóa, mỗi khi Bệnh viện tiếp nhận các ca Covid-19 nặng.
KTV Hải cho hay: “Tình hình của các bệnh nhân nặng, đặc biệt là bệnh nhân phải thở máy, chạy ECMO có thể xấu đi rất nhanh vào bất kỳ thời điểm nào. Do đó, chúng tôi phải chạy đua với diễn biến sức khỏe của bệnh nhân. Bất kỳ dấu hiệu nào của hiện tượng suy gan, suy thận hay phơi nhiễm vi khuẩn hoặc thậm chí là bệnh nền của bệnh nhân, đều là thông tin rất quan trọng cho công tác điều trị”.
Quá trình điều trị cho BN19 (bác gái của BN17), theo lời kể của anh, là một trong những thử thách khó khăn và đáng nhớ nhất với khoa Sinh hóa.
Thời điểm sau khi BN19 3 lần ngừng tim trong đêm, sức khỏe bà yếu đi trông thấy. Phục hồi các chức năng sống cho người phụ nữ từng đối diện với cửa tử này là một thử thách lớn đối với cả khoa Hồi sức tích cực và khoa Sinh hóa.
“Mỗi ngày chúng tôi định kỳ lấy mẫu xét nghiệm cho BN19 từ 4 đến 5 lần. Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày bệnh nhân có dấu hiệu bất thường, cũng sẽ được lấy mẫu phân tích. Chỉ cần nghe thấy tiếng chuông điện thoại trực của khoa là các anh em ngay lập tức theo phản xạ sẵn sàng vào việc” – KTV Hải chia sẻ.
Trầm ngâm một hồi, anh nói tiếp: “Nhiệm vụ chống dịch khiến chúng tôi nhiều lúc bị quá tải, nhưng cũng đem đến những cảm xúc đặc biệt. Đó là cảm giác nhẹ nhõm khi nhìn thấy tín hiệu tích cực từ kết quả phân tích của bệnh nhân từng nguy kịch; và vui hơn hết là ngày tất cả các chỉ số của họ đều trở về ngưỡng bình thường”.