1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Điểm mặt những loại ung thư thường gặp ở nữ: Bệnh nào tử vong nhiều nhất?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã chỉ ra 4 loại ung thư có tần suất và tử suất thường gặp nhất ở nữ giới tại Việt Nam, với những con số báo động.

4 loại ung thư đứng đầu số ca mắc, tử vong ở nữ giới

Tại lễ trao tặng gói tầm soát ung thư dành cho phụ nữ yếu thế, trong chương trình an sinh xã hội "Chạm sẻ chia, trao hy vọng", diễn ra ngày 19/10, tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng khoa Xạ trị Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đã thông tin về các bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới Việt.

Cụ thể, theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu - Globocan (năm 2022), ung thư vú đứng đầu số ca mắc mới, với hơn 24.500 ca/năm, kế đến là ung thư cổ tử cung (hơn 4.600 ca), ung thư tuyến giáp (hơn 6.100 ca) và ung thư buồng trứng (hơn 1.500 ca).

Điểm mặt những loại ung thư thường gặp ở nữ: Bệnh nào tử vong nhiều nhất? - 1

Phụ nữ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (Ảnh: BTC).

Về số tử vong, ung thư vú cũng dẫn đầu với hơn 10.000 ca/năm, còn ung thư cổ tử cung gây ra hơn 2.500 ca/năm. Đáng chú ý, ung thư buồng trứng dù số lượng mắc mới mỗi năm ít hơn ung thư tuyến giáp nhưng có số ca tử vong vượt trội (hơn 1.000 ca tử vong so với hơn 850 trường hợp của ung thư tuyến giáp).

Trên bình diện thế giới, ung thư vú cũng có xu hướng gia tăng tần suất cao nhất trong các loại ung thư thường gặp ở nữ giới (từ hơn 1,1 triệu ca năm 2002 đã tăng lên hơn 2,2 triệu ca năm 2020, tăng 20% tần suất). Ung thư nội mạc tử cung cũng tăng hơn gấp đôi số ca và tăng 34% tần suất trong thời gian trên.

Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, trong năm 2023 có gần 12.500 ca ung thư vú đến khám và điều trị, một con số rất lớn. Kế đến là ung thư tuyến giáp (gần 12.000 ca), ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, ung thư đại tràng...

Việc mắc bệnh ung thư không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn để lại hậu quả nặng nề về tinh thần và tài chính. Bác sĩ Linh cho biết, gánh nặng ung thư có thể được giảm nhẹ bằng các phòng ngừa (ung thư gan, phổi, cổ tử cung, da) tầm soát (ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng), phát hiện sớm (ung thư vú, tuyến giáp).

Điểm mặt những loại ung thư thường gặp ở nữ: Bệnh nào tử vong nhiều nhất? - 2

Người dân chờ đăng ký tầm soát bệnh ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM (Ảnh: BTC).

"Người dân cần lắng nghe cơ thể, chú ý các triệu chứng báo động, khám sức khỏe định kỳ. Khi được chẩn đoán ung thư, cần hợp tác tốt với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất, phù hợp nhất", bác sĩ Linh khuyến cáo.

Tầm soát ung thư miễn phí cho phụ nữ yếu thế

Tại chương trình, ông Nguyễn Hoàng Ân, Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ TPHCM chia sẻ, với sự tiến bộ của y học hiện nay, nhiều loại ung thư có thể chữa trị thành công nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Do đó, Hội Chữ thập đỏ TPHCM, Hội Chữ Thập đỏ TP Hà Nội và Ban tổ chức chương trình "Chạm sẻ chia, Trao hy vọng" phối hợp trao tặng gói tầm soát ung thư miễn phí dành cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với nhiều mục tiêu.

Thứ nhất, mở rộng khả năng kết nối của cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ, nhằm thực hiện vai trò cầu nối, điều phối hiệu quả trong việc vận động giới nữ thường xuyên thăm khám sức khỏe, tầm soát ung thư tại các bệnh viện.

Thứ hai, tuyên truyền đến người dân thông tin y tế, đặc biệt là những bệnh ung thư dễ mắc phải ở nữ giới.

Thứ ba, nâng cao nhận thức cộng đồng về những lợi ích của việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh, từ đó khuyến khích họ tham gia vào các chương trình tầm soát sức khỏe.

Thứ tư, góp phần mang đến cơ hội tầm soát ung thư miễn phí cho phụ nữ khó khăn, đặc biệt hỗ trợ chi phí tầm soát chuyên sâu cho những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh.

Điểm mặt những loại ung thư thường gặp ở nữ: Bệnh nào tử vong nhiều nhất? - 3

Sẽ có 2.010 suất tầm soát ung thư miễn phí cho phụ nữ yếu thế trong chương trình "Chạm sẻ chia, trao hy vọng" (Ảnh: BTC).

Phụ nữ hưởng lợi từ chương trình là lao động 35-60 tuổi, thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi, người tàn tật hoặc là lao động chính trong gia đình, có nghi ngờ mắc bệnh nhưng chưa có điều kiện thăm khám.

Bà Lê Thị Thuột, thành viên Ban tổ chức cho biết, hoạt động tầm soát sẽ kéo dài đến ngày 26/10 tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với 2.010 suất tầm soát ung thư miễn phí cho phụ nữ yếu thế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm