Dịch tả lợn châu Phi: Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn Đà Nẵng

(Dân trí) - Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tại các tỉnh phía Bắc. Tại Đà Nẵng, công tác kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm dịch diễn ra cả ngày lẫn đêm nhằm đảm bảo dịch bệnh không xâm nhập vào địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên (TP Đà Nẵng) cho biết, trong 3 ngày gần đây, lượng xe chở lợn qua trạm giảm khoảng 40% so với ngày thường.

Trước đó, bình quân mỗi ngày, lượng xe chở lợn qua trạm này khoảng từ 20 đến 25 xe với số lượng khoảng 2.500 con lợn thịt chủ yếu từ Bắc vào Nam.

Dịch tả lợn châu Phi: Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn Đà Nẵng - 1

Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên kiểm tra xe chở lợn đi qua từ Bắc vào Nam

Theo ông Lâm, nguyên nhân khiến xe chở lợn qua Đà Nẵng giảm mạnh là do thời gian gần đây, giá thịt lợn giữa miền Bắc và miền Nam không chênh lệch nhiều. Đồng thời, nhiều tỉnh miền Bắc có xảy ra dịch tả lợn châu Phi nên địa phương không cho xuất lợn ra ngoài.

Ông Lâm cho hay, Trạm Kiểm dịch động vật Kim Liên có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tất cả các phương tiện vận chuyển, xe ra vào đồng thời tiêu độc, sát trùng, kiểm tra tình hình gia súc, đặc biệt trong thời gian này đối với lợn đi qua địa phận đường tránh Nam Hải Vân, huyện Hoà Vang. Mỗi ngày, Trạm bố trí 3 người để thực hiện công tác kiểm tra 24/24.

Dịch tả lợn châu Phi: Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn Đà Nẵng - 2

Trong suốt thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi, Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên chưa phát hiện ra trường hợp xe vận chuyển lợn nào có dấu hiệu bất thường

“Để được lưu thông qua trạm, xe vận chuyển gia súc phải có hồ sơ kiểm dịch vận chuyển do tỉnh, thành, nơi xuất gia súc đi cấp. Trong suốt thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi, Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên chưa phát hiện ra trường hợp xe vận chuyển lợn nào có dấu hiệu bất thường”, ông Lâm nói.

Bên cạnh đó, để phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp phát 1.152 lít Benkocid cho các địa phương, cơ sở tiêu độc khử trùng. Riêng đối với huyện Hòa Vang là địa phương có chăn nuôi nhiều, đã được cấp tiếp đợt 2 trong năm 2019 với số lượng 5.000 lít Benkocid để huyện chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Đà Nẵng cũng tăng cường triển khai thực hiện phương án ứng phó khẩn cấp ban đầu khi dịch xảy ra đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Được biết, tại Đà Nẵng, 80% lợn nhập về đây chủ yếu là tỉnh Bình Định do hai địa phương này có hợp tác cung ứng thực phẩm, 20% còn lại chủ yếu từ địa phương.

Khánh Hồng