Dịch sởi: ”Nóng” chỉ đạo, “lạnh” thực hiện!
(Dân trí) - Trước tỉ lệ tử vong, mắc sởi gia tăng, tập trung tại nhiều bệnh viện lớn, Bộ Y tế đã thừa nhận cần phải nâng mức độ đáp ứng với dịch, quyết liệt giảm tải, tăng cường chỉ đạo phòng dịch, xem lại chỉ đạo của các địa phương trong công tác phòng bệnh sởi.
Có minh bạch thông tin về dịch sởi?
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã có trên 8.500 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó trên 3.000 trường hợp dương tính sởi. 76% trẻ mắc là dưới 10 tuổi, hầu hết ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm vắc xin. Hà Nội (có trên 1.000 ca mắc) và TP Hồ Chí Minh (500 ca) là địa phương có số ca mắc sởi cao nhất trong cả nước. Số tử vong ghi nhận 112 ca, chủ yếu tại miền Bắc, trong đó trẻ tử vong do sởi tại Hà Nội chiếm khoảng 50%.
“Nhưng có một tín hiệu đáng mừng, số ca mắc sởi đang có dấu hiệu giảm xuống. Riêng trong ngày 17/4 Hà Nội chỉ ghi nhận thêm 10 ca mắc. Còn tại BV Nhi Trung ương, số bệnh nhân cũng giảm đáng kể, từ 30 ca sởi mỗi ngày xuống 5 ca sởi mới ngày 17/4.
Trước câu hỏi, Bộ Y tế có minh bạch thông tin về dịch bệnh, về con số tử vong, Thứ trưởng Long khẳng định: “Con số 112 bệnh nhân tử vong liên quan đến sởi nhưng chắc chắn 25 ca do sởi là hoàn toàn đúng. Bởi thực tế ghi nhận nhiều trẻ mắc sởi trên nền bệnh lý khác, đồng nhiễm nhiều vi rút. Như 2 ca tử vong ở Yên Bái, 1 ca đột tử tại nhà nhưng trong vùng dịch tễ, 1 ca khi xét nghiệm phát hiện em bé đồng nhiễm 4 loại vi rút”.
Về việc Bộ Y tế có “né” dịch, ông Long cho biết: “Không công bố không có nghĩa là không có dịch. Bộ Y tế thừa nhận dịch sởi xảy ra từ cuối năm 2013, khi bắt đầu có những ca mắc sởi đầu tiên. Điều này hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn giám sát phòng chống dịch. Cứ có 3 trường hợp trở lên là hình thành một ổ dịch sởi, chỉ cần có 2 trường hợp dương tính đã thông báo là có dịch sởi. Sự khác biệt giữa thế giới và Việt Nam là thế giới dùng từ thông báo dịch, còn tại VN, theo Luật Truyền nhiễm, nếu công bố dịch thì phải ở mức độ cao hơn, sẽ có các biện pháp cần thiết như đóng cửa trường học, hạn chế giao thông, hội họp, họp chợ, cưỡng chế cách ly…. Chúng tôi phân tích tình hình chuyên môn, xem xét cẩn thận trước khi công bố chứ không giấu dịch”, ông Long nói.
“Bộ Y tế không hề “né” thông báo về dịch. Bằng chứng là trong tất cả các văn bản chỉ đạo từ cuối năm 2013 đến nay, cả văn bản đều rất rõ “phòng chống dịch sởi”. Hơn nữa, việc công bố hay không công bố thì các biện pháp chuyên môn đều phải thực hiện theo quy định. Chỉ 1 trường hợp nghi ngờ mắc sởi là đã phải triển khai các biện pháp phòng chống, với bệnh nhân làm sao, cộng đồng, trường học ra làm sao”, Thứ trưởng Long cho biết.
Quyết liệt tiêm vét vắc xin
Theo Bộ Y tế, ngay từ khi dịch sởi xảy ra tại 4 tỉnh, Bộ Y tế đã ra quyết định tiêm vét vắc xin cho trẻ dưới 2 tuổi ở 63 tỉnh thành. Trong khi đó vụ dịch năm 2009 chỉ tiêm vắc xin cho trẻ ở ổ dịch. Điều này cho thấy, Bộ Y tế đã lường trước được nguy cơ dịch lan truyền.
Thứ trưởng cũng thừa nhận, đúng là có hiện tượng nóng về chỉ đạo nhưng lạnh về thực hiện nên cảm giác có một số nơi không triển khai thực hiện. Ngay từ ngày mai, Bộ Y tế sẽ công bố công khai toàn bộ tỉ lệ tiêm của các tỉnh. Các địa phương phải xem lại chỉ đạo như thế nào.
Theo Thứ trưởng Long, để kiểm soát dịch thì việc tiêm chủng cần triển khai quyết liệt. Bởi chỉ có tiêm vắc xin mới là biện pháp dự phòng đặc hiệu nhất, bảo vệ 95% trẻ tiêm chủng khỏi mắc sởi.
Tại BV Nhi Trung ương cũng quyết liệt triển khai các biện pháp giảm tải không chỉ ở khoa Truyền nhiễm mà ở khoa hô hấp để giảm quá tải, giảm tình trạng lây nhiễm.
Về vấn đề xuất cấp máy thở đến hôm nay Bộ Y tế đã xuất cấp 42 máy thở cho các bệnh viện. “Hoàn toàn không có chuyện máy cũ dùng lại mà là máy mới nguyên, được dự trữ trong kho”, ông Long nói.
Sau khi giám sát tình hình thực tế, Bộ Y tế quyết định nâng mức độ đáp ứng với dịch ở mức độ cao hơn. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch sẽ họp hàng ngày để cập nhật thông tin tình hình dịch sởi, kịp thời có những điều chỉnh trong chỉ đạo phòng dịch.
Hồng Hải