Dịch lan rộng - Đã đến lúc dùng vắc xin tả?

(Dân trí) - Nguồn nước sinh hoạt nhiễm khuẩn và lây nhiễm thứ phát (lây từ người sang) đã khiến người dân thực sự lo sợ. Nhiều người còn ráo riết đi tìm vắc xin tả trong khi không hề biết là hiệu lực của nó đến đâu.

Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với PSG.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TƯ (ảnh) xung quanh vấn đề này?

 

Số ca nhập viện vì tiêu chảy cấp nguy hiểm do ăn mắm tôm đang giảm dần trong khi các thực phẩm khác lại tăng. Thậm chí như ở Viện Quân y 103, tỷ lệ người nhập viện do ăn mắm tôm chỉ chiếm chưa đến 5% (1/23 ca). Ông đánh giá thế nào về tình hình này?

 

Qua điều tra của Viện cũng như báo cáo của các tỉnh đều cho thấy: Mặc dù số ca nhập viện do mắm tôm vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng đã giảm dần (từ 80% xuống còn khoảng 50%). Trong khi đó, những nguyên nhân khác bắt đầu nhiều hơn.

 

Bệnh nhân phải nhập viện do ăn thức ăn đường phố, rau sống, thậm chí nhiều người bị lại do cả những thực phẩm mà chúng ta nói là thực phẩm thông thường như thịt bò, gà, giò chả, và tỷ lệ này đang tăng dần lên.

 

Theo ông, tại sao nhiều thực phẩm khác bị ô nhiễm trong thời điểm này?

 

Giải thích dễ nhất chính là liên quan đến nước. Và khi nước đã bị ô nhiễm lại được dùng để chế biến thực phẩm thì thực phẩm sẽ bị ô nhiễm.

 

Tính đến chiều ngày 5/11, đã có trên 1.000 bệnh nhân nhập viện vì tiêu chảy cấp. Trong khi Hà Nội đang có xu hướng giảm thì các tỉnh lại có xu hướng tăng, trong đó có tỉnh Hải Dương.

 

Kết quả báo cáo từ ban chỉ đạo phòng chống dịch cho thấy những trường hợp nhập viện không dừng lại ở mắm tôm mà liên quan đến nhiều thực phẩm thông thường như gia cầm, hải sản, rau sống. Điển hình như bệnh viện Quân y 103, trong số 23 bệnh nhân nhập viện thì chỉ có 1 trường hợp là do ăn mắm tôm. 

Dịch bệnh này có thời gian ủ bệnh khá lâu, kéo dài vài ngày. Vậy làm sao có thể phát hiện được những người bị bệnh nhưng chưa phát bệnh?

 

Không thể làm được việc này. Trong dịch bệnh tiêu chảy cấp lần này có tới 75% những người nhiễm khuẩn là không triệu chứng, nghĩa là hoàn toàn bình thường nhưng vẫn mang vi khuẩn gây bệnh và tự đào thải ra bên ngoài trong vòng 7 - 14 ngày. Vì vậy, chẳng ai biết họ đang mắc dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

 

Còn trong 25% số người còn lại có biểu hiện triệu chứng thì chỉ khoảng 20% nhiễm trùng nặng và phải nhập viện. Số còn lại ngày đi vài 3 lần, phân lỏng, không điển hình.

 

Điều đó cũng có nghĩa là số người đến bệnh viện để điều trị chiếm tổng số rất ít so với số người phát bệnh. Vì thế, nguy cơ đào thải từ nguồn gây bệnh và nguy cơ ô nhiễm từ môi trường nước là rất lớn.

 

Đây có thể hiểu là đã xuất hiện tình trạng  lây nhiễm thứ phát?

 

Chắc chắn là như vậy.

 

Nguồn nước bị ô nhiễm, người dân muốn được tiêm vắc xin tả để phòng bệnh. Xin hỏi Bộ Y tế có tính đến việc này chưa?

 

Chúng tôi đã làm việc với Tổ chức y tế thế giới (WHO) và họ đã khuyến cáo là nên sử dụng vắc xin tả có hiệu lực bảo vệ cao (bằng đường uống) cho những nơi có tình trạng khẩn cấp như vùng lũ lụt thiên tai, nơi không thể có nước sạch để dùng.

 

Nhưng vấn đề là cần uống vắc xin trước khi xảy ra dịch. Vì sau khi uống hai lần vắc xin cách nhau 1 tuần, thì cần thêm ít nhất 2 tuần nữa mới có kháng thể bảo vệ.

 

Nhưng trong thời điểm hiện nay, cần phải so sánh xem vịêc dùng vắc xin hay công tác tuyên truyền, ăn sạch uống sạch thì cái nào đỡ tốn kém và hiệu quả hơn. Vì nếu bây giờ mua vắc xin thì phải có lực lượng để triển khai, tổ chức thực hiện. Trong khi nếu chúng ta tăng cường tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi thì việc này vừa kinh tế, lại hiệu quả hơn. Nhất là khi dịch đã xảy ra rồi.

 

Vấn đề nữa là nếu dùng vắc xin bây giờ sẽ tạo cho người dân tâm lý an tâm giả tạo, cứ tưởng uống vắc xin là tốt rồi mà không dùng các biện pháp vệ sinh. Vì với tả hay vi khuẩn cấp tính nặng hiện nay thì người ta nói nhiều đến vệ sinh nước sạch và vệ sinh chống nhiễm khuẩn. Làm đựơc điều này sẽ hơn hẳn những tiêu chuẩn khác.

 

Người dân nào cũng phải dùng nước sinh hoạt, vậy đâu là nguồn nước dễ bị ô nhiễm?

 

Hiện nay chúng ta có thể tin cậy nguồn nước máy do được khử trùng bằng clo. Còn nước ở hồ, ao, nước giếng nếu người dân lấy để dùng mà không qua xử lý tiệt trùng đúng qui trình thì sẽ bị nhiễm. Tại những nơi vùng lũ lụt, thiên tai, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cũng rất cao.

 

Trước tình hình đó, chúng tôi đã đề nghị đưa thêm clo vào trong nước ở những nơi dễ ô nhiễm này giống như nước máy theo tỉ lệ quy định. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ dân ở nông thôn không chịu hợp tác với chính quyền vì họ thấy mùi hắc.

 

Vì vậy,  vấn đề ở đây là cần tuyên truyền để làm sao người dân hiểu được và thực hiện. Tôi vẫn nhắc lại là phải ăn chín, uống chín, không còn cách nào khác.

 

Đối với những người quan tâm đến vắc xin tả, ông có lời khuyên nào không?

 

Hiện nay trên thị trường có vắc xin đã được đăng ký sử dụng nhưng tôi không biết là các cơ sở y tế hiện nay có hay không. Song cần phải lưu ý vắc xin đó phải hiệu lực bảo vệ phải cao.

 

Vậy hiệu lực bảo vệ của vắc xin ông vừa nói là bao nhiêu?

 

Hiệu lực khoảng 70% vì vậy chúng ta cần phải cân nhắc. Nên nhớ vắc xin không phải là biện pháp duy nhất để phòng dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm mà nó là biện pháp thứ yếu và nó dùng để hỗ trợ.

 

Trước tâm lý lo sợ dịch bệnh, ông có nghĩ đến việc nếu ngành y tế không công khai cho sử dụng vắc xin sẽ xảy ra tình trạng uống thuốc “chui” hoặc mua thuốc không rõ nguồn gốc?

 

Chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia y tế thế giới để đánh giá nguy cơ cần thiết hay không cần thiết trong việc sử dụng vắc xin tả, vì việc này cần phải tính toán chứ không dùng một cách đại trà.

 

Lan Hương