Dịch diễn biến bất thường, đã có 25 ca tử vong vì sởi
(Dân trí) - Hà Nội hiện vẫn là địa phương đang rất "nóng" với tình trạng bệnh nhân sởi nặng phải nhập viện. Đã có 59/63 tỉnh thành ghi nhận có bệnh nhân sởi, với 25 trường hợp tử vong.
Chiều 8/4, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn các biện pháp trước dịch sởi vẫn diễn biến bất thường như hiện nay.
Sởi bao phủ gần khắp cả nước
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận hơn 6.600 trường hợp sốt phát ban trong đó gần 2.500 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Đến nay đã có 59/63 địa phương ghi nhận có bệnh nhân sởi. Nhưng hai tuần trở lại đây, số mắc sởi trên toàn quốc đã giảm đáng kể.
Trong nhóm bệnh nhân mắc sởi, chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi (68%), trẻ dưới 1 tuổi chiếm khoảng 16%. Đa số bệnh nhân mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%). Hơn 10% trẻ mắc sởi đã tiêm mũi 1, chỉ có 4,2% trẻ đã tiêm đủ 2 mũi mà vẫn mắc bệnh. Riêng tại Hà Nội, ghi nhận 901 trường hợp mắc sởi từ cuối năm 2013 đến nay.
Con số tử vong do sởi và biến chứng của sởi cũng được Bộ Y tế công bố với 25 trường hợp. Trong số này chỉ có 1 trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ. “Các trường hợp tử vong do mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các vi rút khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do viêm phổi”, ông Phu nói.
Đánh giá về dịch sởi, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, dịch sởi năm nay xảy ra quy mô nhỏ, đỉnh dịch thấp hơn nhiều so với vụ dịch 2009- 2010 (8.233 ca mắc).
GS Hiển cũng khẳng định, đến nay chưa có sự biến đổi về gene và độc lực của vi rút sởi. Thời gian 1 – 2 tháng tới, chắc chắn dịch sởi sẽ giảm mạnh do tỉ lệ tiêm vắc xin sởi bao phủ đang tăng lên, thời tiết nắng ấm cũng giúp tiêu diệt vi rút sởi ngoài môi trường.
Bác sĩ đau đầu, quay cuồng với sởi
PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết, chưa năm nào BV lại quá tải trầm trọng như hiện nay. Cùng kỳ năm 2013 chỉ có 7.000 bệnh nhân nội trú nhưng thời điểm này là 10.000 (tăng 30%). Trong số này, một nửa bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp. Đáng nói, sởi cũng góp một phần không nhỏ tăng áp lực quá tải bởi số bệnh nhi nặng phải thở máy chiếm rất cao.
Ông Hải thôn tin, từ đầu mùa dịch đến nay đã có 1.000 ca mắc sởi, biến chứng nặng phải nhập viện. Chưa bao giờ, số lượng bệnh nhân nặng do biến chứng sởi được chuyển đến BV Nhi TƯ lại nhiều như thời điểm suốt 2 tháng trở lại đây. BV Nhi TƯ đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi mà số giường bệnh vẫn không xuể, luôn có từ 200 – 250 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng do sởi phải nằm viện, dẫn đến vẫn phải nằm ghép 3-4 bệnh nhân một giường.
Theo TS Hải, dịch sởi năm nay diễn biến bất thường bởi nhiều ca biến chứng nặng gây viêm phổi. Bệnh nhi nhập viện bình thường, điều trị ngay nhưng diễn biến nặng lên trông thấy và nhiều bệnh nhi đã tử vong. Có những bệnh nhi rất nặng nề, để cứu được đã phải đầu tư rất lớn về nhân lực và chi phí, với nhiều kỹ thuật cao, kể cả kỹ thuật ecmo. “Có những ca bệnh để cứu được bệnh nhi đã tiêu tốn cả 500 triệu đồng. Thế nhưng cũng có nhiều bệnh nhi không qua khỏi”, TS Hải nói.
Đáng nói, các bác sĩ cũng phát hiện sự đồng nhiễm vi rút trong các bệnh nhi sởi, khiến tình trạng bệnh của bệnh nhi thêm nặng nề. Trong 6 ca tử vong do sởi được xét nghiệm tại BV Nhi T.Ư, đã phát hiện trẻ đồng nhiễm nhiều loại vi rút, có trẻ nhiễm đến 3 loại vi rút khác nhau.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, bệnh sởi năm nay cũng không bình thường như mọi năm. Kể từ ca nghi mắc sởi đầu tiên nhập viện (25/1/2014) đến nay, khoa Nhi BV Bạch Mai đã tiếp nhận 83 ca mắc sởi rất nặng phải nhập viện điều trị. Ngay trong sáng 8/4 bệnh viện phải tiếp nhận thêm 3 trẻ biến chứng viêm phổi nhập viện. Hiện có 15 trẻ có biến chứng viêm phổi nặng phải theo dõi, điều trị tích cực tại khoa.
“Bình thường sởi diễn biến bệnh theo mô hình cổ điển. Đó là bệnh nhân có sốt, chảy nước mắt mũi vài ba ngày đầu, sau đó nổi ban từ mặt dần xuống chân, sau vài ngày ban bay, trẻ hết sốt. Nhưng năm nay, sởi gặp nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi và có nhiều khác biệt, khi bệnh nhi vừa mới mọc ban, thậm chí chưa phân biệt được sởi hay không thì đã biến chứng viêm phổi. Chỉ đến khi xuất hiện thêm nhiều biểu hiện, xét nghiệm huyết thanh mới khẳng định được bệnh nhi mắc sởi. Như vậy, bệnh nhi bị biến chứng phổi ngay từ giai đoạn mọc ban, do vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi trẻ”, TS Dũng nói.
Cũng chính vì diễn biến bất thường của sởi, nên phần lớn các ca bị viêm phổi do sởi đều phải chỉ định nhập viện điều trị, dù quá tải vẫn phải nhận vì không dám chỉ định điều trị ngoại trú. Không ít bệnh nhân buổi sáng đến khám tỉnh táo, chỉ ho, sốt nghĩ viêm phổi bình thường, đến chiều tối đã diễn biến nhanh, suy hô hấp khiến thầy thuốc phải rất thận trọng, cứ bệnh nhi bị sởi mà viêm phổi là phải nhập viện, vì không đoán được diễn biến của bệnh.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, các địa phương phải quyết liệt thực hiện việc tiêm vét vắc xin sởi. Vì chỉ bao phủ tốt các đối tượng được tiêm thì mới có thể khống chế được dịch bệnh. Ví như tại Hà Nội, đến thời điểm này đạt 70% số lượng tiêm vét, trong tháng 4 nếu thực hiện nốt được phần còn lại, 76 ngàn trẻ được tiêm vắc xin thì mới đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh.
“Dù các chuyên gia đều đưa ra dự báo trong 1 – 2 tháng tới dịch có thể kiểm soát tốt bởi thời tiết nắng ấm lên. Nhưng về lâu dài, chỉ thực hiện tiêm phòng tốt chúng ta mới kiểm soát tốt được dịch bệnh. Vì thế, các địa phương cần hết sức nỗ lực trong chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi. Bộ Y tế cũng đang triển khai kế hoạch để tháng 8, tháng 9 tới có thể triển khai tiêm vắc xin sởi, rubella trên diện rộng (cho đối tượng từ 1 – 14 tuổi) để phòng bệnh”, Thứ trưởng Long chốt lại.
Hồng Hải