Dịch Covid-19 tại TPHCM liệu đã đạt đỉnh?
(Dân trí) - Gần đây, số ca Covid-19 mỗi ngày tại TPHCM liên tục tăng vọt, đều trên 2.000, có ngày hơn 3.000. Theo chuyên gia, dịch diễn biến phức tạp nên rất khó dự đoán liệu TP đã đạt đỉnh dịch hay chưa.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, số lượng ca Covid-19 tại TPHCM, các tỉnh phía Nam trong thời gian qua đã tăng rất nhanh. Đây là kết quả sự nỗ lực của các địa phương trên trong công tác rà soát, phát hiện sớm các đối tượng F0 trong khu cách ly, khu phong tỏa, đặc biệt là sàng lọc trong cộng đồng. Ví dụ trong ngày 15/7, trong vòng 24 giờ TPHCM đã có hơn 3.000 ca.
Về việc TPHCM đã đạt đỉnh dịch hay chưa, thứ trưởng Sơn cho rằng hiện nay tình hình dịch diễn biến hết sức phức tạp nên khó nói.
"Hiện giờ chưa thể nói chính xác được dịch tại TPHCM đã đạt đỉnh hay chưa. Dịch TPHCM đang leo thang, sớm lắm thì cũng phải một vài ngày nữa mới có thể đưa ra nhận định được. Tuy nhiên, bản thân là những người tham gia hỗ trợ TPHCM, chúng tôi hy vọng đỉnh dịch của TPHCM là hiện giờ chúng ta đang đạt được và số ca mắc sẽ giảm dần", Thứ trưởng Sơn nói.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết tại TPHCM số lượng ca mắc tăng rất nhanh nhưng không nên vì thế mà lo ngại. Số lượng ca mắc nhiều chứng tỏ các biện pháp kiểm soát dịch đang có hiệu quả. Công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đang được thực hiện rất tích cực.
"Chúng ta đang tìm kiếm các ca đã mắc từ trước mà chưa phát hiện để phát hiện cho hết. Điều này cũng giống như đang vét cá trong bể cá, càng vét mạnh thì càng bắt được nhiều cá. Khi nào bắt hết được cá mẹ, không để cá con nảy nở thì dịch được kiểm soát, số ca mắc hạ xuống", TS Nhung nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, hiện chưa thể dự đoán được bao giờ dịch tại TPHCM sẽ đạt đỉnh. Cá nhân ông cho rằng khoảng 2 tuần nữa, dịch mới đạt đỉnh.
Tỷ lệ tử vong tại TPHCM là khoảng 0,6%
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng việc phải làm lúc này là giảm thiểu tác hại của dịch Covid-19 với TPHCM bằng cách tăng cường các nguồn lực về thu dung bệnh nhân, điều trị cũng như chuẩn bị các trang thiết bị đầy đủ.
"Nếu tính đến phương án điều trị 30.000 ca mắc thì có thể TP đáp ứng được về trang thiết bị, nhân lực với điều kiện là vẫn có sự hỗ trợ về nhân lực và trang thiết bị vật tư của Trung ương. Tuy nhiên, TP đã chủ động xây dựng kịch bản lên đến 100.000 ca mắc. Đây là kịch bản hết sức khó khăn. Không chỉ TPHCM mà Trung ương cũng phải có biện pháp hết sức cụ thể để hỗ trợ cho TP", Thứ trưởng Sơn cho biết.
Theo ông, TPHCM đã xây dựng bệnh viện hồi sức Covid-19 với công suất một ngàn giường trong đó có 100 máy thở. Các bệnh viện như Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng bố trí mỗi bệnh viện có thể tăng tới 200 giường hồi sức. Vì thế, trong thời gian qua việc điều trị vẫn có thể đảm bảo được.
"Những trường hợp tử vong tại TPHCM thời gian qua cũng như một địa phương khác chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền, có bệnh lý ác tính khó điều trị. Chúng ta đang tập trung năng lực y tế chủ yếu giúp người bệnh khi phát hiện triệu chứng thì không trở nặng, đã nặng thì không thể để chuyển hồi sức, đã hồi sức thì cố gắng không tử vong", thứ trưởng Sơn nói.
Tỷ lệ tử vong tại TPHCM là khoảng 0,6%, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 0,55%. Tỷ lệ tử vong chung trên cả thế giới là 2,15%.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc triển khai xét nghiệm tại TPHCM là bài học cho các địa phương khác. Công suất xét nghiệm tăng lên, việc gộp mẫu cho kết quả nhanh hơn, hiện TP không còn mẫu tồn sau 24 giờ.
Về điều trị, theo Bộ trưởng TP đã thiết lập điều trị theo 3 nấc. Nơi điều trị ban đầu dành cho các bệnh nhân không có triệu chứng thì không nhất thiết phải là cơ sở y tế, có thể là ký túc xá, doanh trại quân đội…
Với nấc điều trị thứ 2, TP cần chuẩn bị thở ôxy gọng kính và HFNC, nếu không sẽ rất khó khăn. Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý không gọi điều trị F0 tại nhà, tránh gây hiểu nhầm. Vì khi F0 phải đảm bảo không lây nhiễm ra cộng đồng thì mới được cho xuất viện về theo dõi tại nhà.